(Baonghean) - Năm 2016, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của Nghệ An đạt 81,48% dân số toàn tỉnh, hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Kết quả đó là từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn.
 
Triển khai quyết liệt
 
Để đạt được chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao, ngay từ đầu năm, ngành BHXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 81 về việc triển khai thực hiện “Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2015 - 2020”; Quyết định số 5011 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016 - 2020; ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai lập danh sách hộ gia đình tham gia; thu hồi nợ đọng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; triển khai thực hiện BHYT học sinh, sinh viên; phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT... 
 
 
images1800552_bh1.jpgIn thẻ BHYT tại BHXH huyện Đô Lương. Ảnh: Lâm Tùng
Bên cạnh đó, ngành BHXH đã phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, đơn vị về ý thức chấp hành Luật BHYT.
 
Đặc biệt, BHXH tỉnh đã phối hợp Sở Y tế xây dựng và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; chỉ đạo và tăng cường giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi người tham gia khi đi khám, chữa bệnh; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (TP. Vinh) cho biết: “Năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên thực hiện thu BHYT sửa đổi; trong cuộc họp phụ huynh đầu năm chúng tôi thông báo chi tiết, giải thích rõ ràng với phụ huynh nên đã nhận được sự đồng tình cao, việc thu bảo hiểm diễn ra rất thuận lợi, đạt 100% số học sinh tham gia bảo hiểm đến ngày 31/12/2016. Năm học 2016 - 2017, đối với học sinh đầu cấp, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm cho các em học sinh”.
 
Anh Thái Bá Linh, ở xã Nghi Phú (TP. Vinh) cho biết: “Dù 2 con tôi đang học ở trường tiểu học đều rất khỏe mạnh, phát triển bình thường, trong khi gia đình cũng không dư giả gì, nhưng việc đóng BHYT cho vợ chồng và các con thì tôi luôn thực hiện. Bởi tôi nghĩ, việc bỏ ra mấy trăm nghìn đồng đóng BHYT là cần thiết để con mình chẳng may có bị làm sao thì đã có Quỹ BHYT chi trả, nếu các con không bị gì thì số tiền ít ỏi đó góp phần giúp những gia đình khác chữa trị cho con cái của họ. Qua đóng bảo hiểm, mình còn dạy được cho con hiểu về tầm quan trọng của việc tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống...”.
 

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh gần 2,5 triệu người, đạt 81,48% dân số (chỉ tiêu giao 81%), trong đó nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng đạt 207.008 người, chiếm tỷ lệ 87,4% so với tổng số người lao động (chỉ tiêu giao 87%), nhóm đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp tham gia BHYT đạt 108.487 người, tương ứng 60,62% tổng số đối tượng (chỉ tiêu giao 61%); nhóm do tổ chức BHXH đóng đạt 144.351 người, chiếm tỷ lệ tham gia là 100%; nhóm do ngân sách nhà nước đóng có 1.376.669 người tham gia, chiếm tỷ lệ tham gia 100%; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng có 480.861 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 76,6% so với tổng số đối tượng thuộc nhóm này (chỉ tiêu giao 86%); nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình có 238.497người, tăng 120.259 người so với thời điểm 31/12/2015, chiếm tỷ lệ 35,52% so với tiềm năng, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao (chỉ tiêu giao 29%).

Cấp thẻ BHYT tại BHXH Đô Lương. Ảnh: Lâm Tùng
 
Phấn đấu có 83,8% người dân tham gia BHYT
 
Thực tế, hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT của các địa phương không đồng đều. 
 
Nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng chiếm tỷ lệ còn thấp so với chỉ tiêu giao. Đối tượng người thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình chỉ mới có 49,7% so với tổng số đối tượng này.
 
Đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm học 2016 - 2017 mới đạt tỷ lệ 86,2% tổng số HSSV toàn tỉnh (chỉ tiêu giao 95%). 
 
Nguyên nhân, một số đơn vị cố ý lách luật không thực hiện quy định về ký kết hợp đồng lao động cho người lao động hoặc có ký hợp đồng lao động nhưng không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT vẫn còn khá phổ biến ở một số doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến việc cấp thẻ BHYT.
 
Nguồn hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo từ Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ đã kết thúc vào cuối năm 2015, nên nhiều người dân không tham gia BHYT khi điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, trong khi ngân sách địa phương hỗ trợ 10% kinh phí mua thẻ năm 2016 chỉ mới có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2016. 
 
Đối tượng học sinh, sinh viên mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% và được tạo điều kiện thuận lợi về phương thức đóng BHYT, tuy nhiên nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa thể tham gia. Nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa cũng như quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT.
 
 
Người dân nhận chi trả chế độ BHXH tại UBND xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Thủy
Thông tư số 02/2016/TT- BLĐTBXH ngày 25/3/2016 của Bộ LĐ-TB&XH về việc hướng dẫn quy trình xác định gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu lực chậm (ngày 10/5/2016), dẫn đến các địa phương triển khai chậm nên đến nay số người tham gia BHYT còn ít.
 
Mặc dù tham gia BHYT theo gia đình đã được giảm trừ mức đóng, tuy nhiên, đó vẫn là thách thức đối với người thu nhập thấp và đối với gia đình nhiều thành viên vì việc cùng lúc bỏ ra số tiền lớn để mua BHYT.
 
Công tác thông tin, tuyên truyền chính sách BHYT tại một số địa phương chưa thường xuyên và thực sự sâu rộng đến từng người dân.
 
Năm 2017, ngành BHXH phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ đối tượng tham gia BHYT của UBND tỉnh giao tại Quyết định số 5011 trong năm 2017 cho toàn tỉnh là 83,8%; trong đó: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng 89%; nhóm do tổ chức BHXH đóng 100%; nhóm do ngân sách nhà nước đóng 100%; nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng 91%; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình đóng 35%.
 
Để đạt được các chỉ tiêu trên, ngành BHXH sẽ tập trung vào một số giải pháp chính như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT; đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT; củng cố và phát triển mạng lưới đại lý thu trên địa bàn; nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHYT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT.
 
Thanh Hiền