Tác phẩm “Dân vận” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách nay vừa tròn 70 năm. Bài viết đăng trên Báo Sự thật số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z.
Tác phẩm ra đời trong bối cảnh đất nước đang có nhiều chuyển biến mới. Sau khi giành được độc lập, cả nước bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và những tàn dư của chế độ cũ. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu nhằm động viên tối đa sức người, sức của phục vụ kháng chiến và kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác dân vận
Sau 70 năm ra đời, tác phẩm "Dân vận" của Bác Hồ vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cẩm nang cho mọi hoạt động của Đảng, của mỗi cán bộ đảng viên. Thông qua công tác vận động quần chúng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc, công tác dân vận đã gặt hái nhiều thành quả hết sức to lớn và đáng tự hào. Sự nghiệp đổi mới đã nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia ngày càng có những đóng góp quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Giá trị vượt thời gian của tác phẩm Dân vận
Trong xu thế hiện nay, trước những biến đổi không ngừng của tình hình trong nước và quốc tế, công tác dân vận tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ hơn những giá trị của tác phẩm khi vận dụng vào thực tiễn đời sống trên quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ.
Về vai trò của công tác dân vận, các đại biểu đều cho rằng, đã làm cách mạng thì phải thực hành công tác dân vận. Các cấp ủy Đảng khi thực hiện công tác dân vận là thông qua đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết trên cơ sở bám sát thực tiễn đời sống. Công tác dân vận của các tổ chức Đảng hiện nay không chỉ là đưa nghị quyết vào cuộc sống mà còn đưa cuộc sống vào nghị quyết.
Đối với công tác dân vận chính quyền, theo ý kiến của một số đại biểu, cần xây dựng bộ máy Nhà nước đảm bảo trong sạch, vững mạnh và liêm chính; thực hành quy chế dân chủ, công khai trong tất cả các khâu lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.
Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển hiện nay, đại biểu cũng cho rằng, phải có cơ chế đánh giá hiệu quả công tác dân vận trong thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, phải hình thành quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Dân vận các cấp với thường trực cấp ủy, với chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng nêu những khó khăn của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Đó là có nơi, có lúc chưa linh hoạt, chưa lường hết mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến công tác vận động quần chúng. Sự phát triển của xã hội làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong khi công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức; mối quan hệ giữa công tác vận động quần chúng chưa đặt trong mối quan hệ biện chứng với các phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác dân vận chưa thật đầy đủ, vẫn còn tồn tại tình trạng thờ ơ với nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Kỹ năng vận động quần chúng của nhiều cán bộ, kể cả cán bộ chuyên trách tham mưu thường xuyên cho chính quyền chưa thực hiện tốt. Một bộ phận cán bộ bị hành chính hóa, quan liêu hóa trong thực thi nhiệm vụ, lười làm công tác dân vận.
Đó là thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập tác phẩm "Dân vận" của Bác Hồ đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Gắn học tập bài "Dân vận" của Bác với phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" và "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đặc biệt, phấn đấu mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày có một việc tốt vì dân.
Thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc trên địa bàn để tạo sự đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, cơ quan nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của cán bộ công chức, viên chức đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Từ đó giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan đến đời sống thiết thực của nhân dân...
Tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thực sự đi vào chiều sâu, phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng và nhân dân; gắn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với công tác cải cách hành chính. Khắc phục tình trạng hành chính hóa, thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân.