(Baonghean) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập; Bộ Thông tin, Tuyên truyền - một thành viên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa được ra đời vào ngày 28/8/1945. Ngày đó đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Văn hóa
.
Ở Nghệ An, sau ngày cách mạng thành công, Ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập. Ban Thông tin, Tuyên truyền là một trong những thành viên đầu tiên của Ủy ban, có trách nhiệm tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Chính phủ, động viên toàn dân hăng hái xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng và bảo vệ Chính phủ, bảo vệ đất nước. Tùy vào các điều kiện lịch sử cụ thể, các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng được xác định trong từng giai đoạn mà tên gọi, tổ chức và nhiệm vụ cụ thể của ngành Văn hóa được điều chỉnh một cách phù hợp, nhằm phát huy cao nhất năng lực sáng tạo, năng lực quản lý xã hội của ngành trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền. Có lúc cơ quan đầu não của ngành gọi là ban, lúc gọi là ty, lúc gọi là sở; lại có lúc tách ra, lúc nhập vào, lúc tăng thêm các chức năng nhiệm vụ, nhưng xuyên suốt trách nhiệm của ngành vẫn là đội quân tiên phong trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, tổ chức, tập hợp năng lực của cộng đồng gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp và sáng tạo nên những giá trị mới vì mục đích xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần và động lực cho sự vận động phát triển của đất nước...
70 năm qua là hành trình xuyên suốt và đầy năng động của ngành văn hóa Nghệ An và cả nước. Từ dân tộc - khoa học - đại chúng đến xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Hành trình 70 năm ấy thật đáng tự hào, thật vinh quang. Đó là kết quả lắng đọng, sự kết tinh, thăng hoa của biết bao xúc cảm, trăn trở, tâm huyết và cả nước mắt, máu của biết bao đồng bào, đồng chí, mà trong đó có rất nhiều nghệ sỹ - chiến sỹ cầm bút của ngành đã hy sinh vì sự hồi sinh lớn mạnh của đất nước, sự trường tồn của nền văn hóa dân tộc...
Quá trình toàn cầu hóa hiện đại đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ, nhưng nay là giai đoạn văn hóa Việt Nam tham gia “tăng tốc”. Bối cảnh quốc tế mới liên quan đến Việt Nam, đã và đang diễn ra nhanh chóng, dồn dập. Nghệ An không đứng ngoài xu thế, bối cảnh và không gian của sự vận động đó. Với vị thế và khát vọng trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của khu vực Bắc Trung bộ, Nghệ An phải bứt phá với tốc độ nhanh hơn, cường độ lớn hơn trong quá trình phát triển. Trong sự vận động đó, văn hoá phải phát huy vai trò tiên phong để trở thành nền tảng tinh thần, trí tuệ và động lực cho phát triển. Văn hoá phải kiến tạo được các giá trị mới tương thích với các giá trị truyền thống và phù hợp với các giá trị phổ quát của thời đại. Định hướng cho công cuộc kiến tạo các giá trị mới là vô cùng quan trọng, đòi hỏi một tầm nhìn xa và tầm nhìn đó phải được đảm bảo bằng một bản lĩnh chính trị - văn hoá vững vàng, một khả năng tư duy vượt thoát. Các mục tiêu mà chúng ta hướng đến phải thiết thực, hữu ích với cuộc sống và sự phát triển. Trong tương lai gần, những mục tiêu chúng ta cần hướng tới là:
Thứ nhất, xây dựng một cộng đồng xã hội nề nếp, văn minh. Trong cộng đồng đó, các mối quan hệ đều được thiết lập trên cơ sở các chuẩn mực của pháp luật, đạo đức và văn hoá tiến bộ, kể cả ứng xử với môi trường tự nhiên. Điều này cần được xem là mục tiêu xuyên suốt của các hoạt động văn hoá trong mọi thời gian, đặc biệt là vài ba chục năm tới. Từ hai chục năm nay, chúng ta đã có cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, với mục tiêu này, cần lượng hoá, cụ thể hoá các hành vi, các mối quan hệ bằng các chuẩn mực đạo đức, văn hoá và pháp luật. Nếu các cộng đồng đều xây dựng được các bộ quy tắc ứng xử, thì chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một xã hội nề nếp, văn minh, trật tự. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mang nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, cần bảo tồn phát huy vốn cũ này đồng hành cùng với các phong trào văn hóa mới, tốt đẹp để biến các phong trào văn hóa mới này lại trở thành phong tục tập quán. Đó là sự gắn kết, hợp kênh, bổ sung cho đời sống văn hóa xã hội ngày càng phong phú, vững chắc.
Thứ hai, nỗ lực để có các sáng tạo văn hoá nghệ thuật có trình độ nghệ thuật cao, nội dung tư tưởng sâu sắc hướng tới trong vòng hai thập kỷ tới, TP.Vinh, Nghệ An là một địa chỉ, một trung tâm sáng tạo có uy tín về văn học, nghệ thuật. Mọi hoạt động sáng tạo đều hướng đến giá trị và để có điều đó, cần kiến tạo được môi trường sáng tạo, các không gian sáng tạo dân chủ, cởi mở, phát huy được năng lực cảm xúc của của các nghệ nhân, nghệ sỹ.
Thứ ba, phải nỗ lực trong truyền thụ tri thức, quan điểm thẩm mỹ, định hướng thẩm mỹ cho cộng đồng trong nỗ lực chung là xây dựng những phẩm chất văn hoá cho tất cả các thành viên cộng đồng xã hội.
Thứ tư, bảo tồn tốt các di sản văn hoá; gắn việc phát huy giá trị di sản văn hoá với phát triển du lịch một cách hợp lý, hài hoà, ưu tiên mục đích bảo tồn gắn với phát huy hiệu quả kinh tế, nhất là Dân ca ví giặm, hàng hóa lưu niệm...
Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay của ngành và các mục tiêu đặt ra, ngành phải kiên định các nguyên tắc cần được xác lập và thực hiện; đó là:
1. Tất cả mọi hoạt động văn hóa đều hướng đến lợi ích thiết thực của người dân, hướng đến giá trị; tránh hình thức, gây lãng phí, phản cảm.
2. Tránh các biểu hiện chủ quan áp đặt, tạo sự đồng thuận xã hội, mọi hoạt động đều hướng tới xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết cộng đồng. không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
3. Mọi đánh giá, thẩm định về văn hoá, nghệ thuật đều phải khách quan, khoa học dựa trên các chuẩn mực về thẩm mỹ, đạo đức và tư tưởng nghệ thuật.
4. Tôn trọng và ủng hộ cái mới, cái tiến bộ; bảo vệ các giá trị, các chuẩn mực đạo đức truyền thống, dù khó khăn bao nhiêu cũng phải làm. Các nguyên tắc trên sẽ có giá trị như bộ quy chuẩn về hành vi của những hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, tạo điều kiện cho các hành vi hướng tới các mục tiêu - giá trị, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Để thực hiện được các mục tiêu theo các nguyên tắc đã được xác định, thiết nghĩ phải bắt đầu bằng các công việc, các nhiệm vụ cụ thể, các vấn đề cụ thể có ý nghĩa như là tiền đề cho các công việc tiếp theo. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số công việc, giải quyết một số vấn đề cần kíp nhất, đó là:
1. Làm tốt công tác tham mưu để thực hiện đầu tư cho văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả tốt và hiệu quả cao. Kiên quyết nói không với các công trình, các dự án, các chương trình, các hoạt động văn hóa không hoặc chưa đem lại hiệu quả thiết thực với đời sống của nhân dân, chưa phù hợp với điều kiện và khả năng của ngành, của tỉnh.
2. Tăng cường và quyết tâm cải cách hành chính trong các hoạt động của ngành; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng công việc và quy tắc làm việc. Cùng với các hoạt động chuyên nghiệp của ngành, cần phát động mạnh mẽ, các phong trào quần chúng, hoạt động văn hóa, tất cả mọi người dân đều tham gia để có hiệu quả văn hóa cụ thể và tạo ra được cảm hứng xã hội tốt đẹp lớn lao.
3. Rà soát, kiện toàn lại đội ngũ, bộ máy; kiên quyết xử lý tình trạng công chức, viên chức yếu kém về năng lực, về ý thức trách nhiệm và kỷ luật lao động. Dành mọi khả năng để tiếp nhận, bổ sung những nghệ nhân văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, những công chức, viên chức có năng lực, có trách nhiệm và tận tụy với nghề. Xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ văn hóa tỉnh nhà có trình độ học vấn và chuyên môn cao, có tài năng, có năng lực sáng tạo dồi dào và hòa nhập tỉnh táo.
4. Nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời với nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn, cải thiện chất lượng các hoạt động văn hoá - nghệ thuật trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Rà soát lại hệ thống các danh hiệu văn hoá, kiên quyết chống bệnh thành tích; tiến tới tham mưu xác lập các bộ quy tắc ứng xử cộng đồng thống nhất trong toàn tỉnh để từng bước xây dựng nề nếp sinh hoạt văn hoá của cộng đồng.
...Nghệ An đang vươn ra với vận hội mới, khát vọng mới, thuận lợi cũng nhiều nhưng thách thức cũng nhiều. Vì vậy đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, cao hơn ở nội lực văn hoá của đội ngũ cán bộ và cả cộng đồng. Để xây dựng và phát huy được nội lực văn hoá với những giá trị mới tiên tiến, đậm đà bản săc dân tộc, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Văn hoá; tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo của Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, ngành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
HỒ MẬU THANH
, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở VH,TT&DL