(Baonghean) - Từ Đại hội Đảng khóa XI, thuật ngữ “lợi ích nhóm” được sử dụng trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đã công khai nêu đích danh “lợi ích nhóm” trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Để nhận diện bản chất của lợi ích nhóm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương vừa tổ chức hội thảo: “Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng chống lợi ích nhóm ở nước ta hiện nay”. Quan điểm chung thể hiện trong 21 bản tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đều thống nhất: lợi ích nhóm do những phần tử có quyền lực cấu kết với nhau để trục lợi, là một nguyên nhân gây ra tham nhũng trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội. Lợi ích nhóm gây tác hại nhiều mặt: cản trở việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, xã hội, tập thể và công dân; làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đảo lộn những chuẩn mực giá trị về đạo đức xã hội; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Qua hội thảo này, vấn đề lợi ích nhóm được phân tích, mổ xẻ, nhận diện đầy đủ hơn, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phòng chống lợi ích nhóm có hiệu quả.

Tuy nhiên, tại hội thảo này có một vấn đề quan trọng chưa được làm rõ, đó là phân biệt lợi ích nhóm và lợi ích tập thể. Các nhà khoa học tham gia hội thảo đã nêu lên quan điểm: có lợi ích nhóm tiêu cực và lợi ích nhóm tích cực. Nếu sử dụng thuật ngữ “lợi ích nhóm tích cực” thì sẽ lẫn lộn giữa lợi ích nhóm với lợi ích tập thể, là hai loại lợi ích hoàn toàn khác nhau về bản chất. Lợi ích nhóm dưới bất cứ dạng nào cũng là lợi ích cá nhân của một nhóm người có quyền lực cấu kết với nhau. Còn lợi ích tập thể là lợi ích chính đáng, hợp pháp, công khai của cộng đồng, được phân phối công bằng theo kết quả lao động của mỗi thành viên trong tập thể đó. Có nhiều cấp độ lợi ích tập thể: lợi ích của một nhóm người cùng hợp tác sản xuất kinh doanh, lao động sản xuất hay nghiên cứu khoa học; lợi ích của một cơ quan, đơn vị, doanh nghiêp; lợi ích của một ngành, một địa phương; và rộng hơn là lợi ích của một quốc gia, dân tộc. Dù ở cấp độ nào thì lợi ích tập thể cũng vừa là thành quả vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, không gây tác hại tiêu cực như lợi ích nhóm. Khi lợi ích nhóm “bành  trướng” thì lợi ích tập thể bị xâm phạm, bởi vậy, chống lợi ích nhóm chính là để bảo vệ lợi ích tập thể. 

Trong thực tế có những phần tử tiêu cực nhân danh lợi ích tập thể để thực hiện lợi ích nhóm. Cũng có trường hợp người lao động không phân biệt được lợi ích tập thể với lợi ích nhóm nên bị những phần tử tiêu cực lợi dụng lôi kéo vào “ê kíp” lợi ích nhóm. Để bảo vệ lợi ích tập thể, từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức và người lao động đều phải phát huy tinh thần làm chủ và ý thức trách nhiệm cao. Ngược lại, để thực hiện lợi ích nhóm, các phần tử tiêu cực đều chạy theo lợi ích cá nhân, bất chấp lợi ích tập thể. Lợi ích tập thể và lợi ích nhóm hoàn toàn khác nhau từ bản chất đến động cơ và ảnh hưởng đối với xã hội. Bởi vậy, không nên dùng thuật ngữ “lợi ích nhóm tích cực”, nếu có lợi ích nhóm tích cực thì đó là lợi ích tập thể khác hẳn với lợi ích nhóm (tiêu cực). Đây không chỉ là vấn đề từ ngữ mà là cách nhận diện lợi ích nhóm.  Lợi ích tập thể được phân phối công bằng, công khai, dân chủ; còn lợi ích nhóm được “chia chác”  theo quyền lực, là một thứ lợi ích “ngầm” không bao giờ được công khai minh bạch. Đó là sự khác nhau cơ bản giữa lợi ích tập thể và lợi ích nhóm.

Phân biệt lợi ích nhóm với lợi ích tập thể không chỉ là yêu cầu về tư duy khoa học mà còn là một vấn đề đặt ra trong thực tiễn để đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong quan hệ lợi ích nhóm.

Trần Hồng Cơ