(Baonghean) - Việc tạo dựng văn hóa giao thông trong học đường đã được ngành Giáo dục và các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện từ nhiều năm nay trong các nhà trường.
Theo định nghĩa của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thì văn hoá giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông.
Thế nhưng, những biểu hiện đó chưa thật sự xuất hiện đều đặn và rõ nét trong khi tham gia giao thông ở tầng lớp học sinh. Mà ngược lại, mỗi khi ra đường thật không khó để chứng kiến cảnh không ít học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định; lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều… Đi xe đạp thì dàn hàng ba, hàng bốn gây cản trở giao thông. Nếu lỡ xảy ra va quệt, dù nhẹ thì cũng sẵn sàng gây lộn hoặc có những lời lẽ thiếu văn hóa với người đi đường. Nói như vậy, không nhằm để phê phán công tác giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh ở các nhà trường trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, mà chỉ muốn khẳng định là đang có một thực trạng buồn như vậy.
Cho dù thời gian qua ngành Giáo dục cũng như các cơ quan liên quan đã cố gắng tạo dựng, truyền bá, trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa giao thông cho các em dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và không kém phần hấp dẫn; thế nhưng, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do gia đình, nhà trường và xã hội chưa thật sự coi trọng vấn đề giáo dục văn hóa giao thông cho các em như các môn học văn hóa. Việc giáo dục về lĩnh vực này còn mang tính chắp vá, thiếu hệ thống và không đều đặn mà chỉ coi đó như là những hoạt động ngoại khóa, có cũng được mà không có cũng không sao. Vì thế, để khắc phục vấn đề này, cần phải thay đổi thái độ nhìn nhận với vấn đề giáo dục văn háo giao thông cho học sinh. Phải coi đó như là một môn học quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách con người và đồng thời là một cách hiệu quả giúp các em bảo đảm an toàn cho tính mạng của mình. Về lâu dài là để hình thành nên những thế hệ tự giác tôn trọng pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông xuống khỏi mức báo động như hiện nay.
Để làm được việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Về phía nhà trường cần tiến hành xây dựng văn hóa giao thông cho các em từ những thói quen nhỏ nhặt nhất như ra khỏi nhà, ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện là phải đội mũ bảo hiểm. Khi đi đường thì dừng, đỗ đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; không dàn hàng ngang, không sử dụng ô, điện thoại di động khi điều khiển phương tiện giao thông; không lạng lách, đánh võng, đùa giỡn khi tham gia giao thông... Đồng thời, nhà trường phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với gia đình để phối hợp giáo dục các các em như là, kiên quyết không cho các em sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Thường xuyên nhắc nhở các em vào mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà đi đến trường là nhớ đi bên phải, không dàn hàng ngang, không lạng lách, đánh võng…
Về phía xã hội, với các em, các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông không được nương nhẹ những hành vi vi phạm giao thông của các em mà phải xử lý thật nghiêm khắc và liên hệ với nhà trường để cùng nhắc nhở những em vi phạm. Khi thấy các em có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì đều phải có trách nhiệm can thiệp, nhắc nhở kịp thời. Các đoàn thể như Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên cũng phải coi việc giáo dục văn hóa giao thông cho đội viên, đoàn viên như là một nội dung sinh hoạt thường kỳ... Cứ thế, mỗi nơi, mỗi lúc đều có những lời nói, việc làm tác động một cách nhẹ nhàng, khéo léo giúp các em nhận thức đầy đủ và hành động, một cách có hiểu biết và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác và có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông trên tinh thần tuân thủ pháp luật... Và đó chính là những biểu hiện cụ thể của văn hóa giao thông.
Nói như vậy để thấy muốn hình thành được văn hóa giao thông trong lứa tuổi học đường nhất thiết phải tạo dựng được “thế trận giáo dục” theo kiểu chân vạc bao gồm nhà trường, gia đình và xã hội.
Duy Hương