Mâu thuẫn chiến lược
Mối quan hệ giữa Australia - Trung Quốc được đánh giá là đang xuống thấp nhất trong nhiều năm qua, khi Canberra phải loay hoay ứng phó với những chính sách gia tăng ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh về mọi mặt tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Không những xuất hiện hàng loạt mâu thuẫn song phương, là một đồng minh thân thiết của Mỹ, tất nhiên, Australia cũng đứng về phía Mỹ trong nhiều vấn đề để chống lại Trung Quốc.
Lựa chọn cân bằng
Dù căng thẳng và mâu thuẫn về chiến lược, nhưng chính quyền Australia cả cũ và mới đều biết rằng, 1/4 kim ngạch thương mại của nước này là với đối tác Trung Quốc. Trong khi đó, thực tế dù không muốn, bản thân Australia đang vô tình bị kẹt giữa cuộc tranh giành vị thế địa chiến lược giữa 2 ông lớn là Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 đều đang muốn chiếm vị trí của nhau để trở thành quốc gia có vai trò hàng đầu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và bản thân Australia cũng có những tham vọng địa chính trị riêng.
Đối với Thủ tướng mới của Australia, khi còn là Bộ trưởng Ngân khố, ông Scott Morison đã có một vài chính sách, quan điểm chống lại các doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc. Nhưng về tổng thế, ông Morrison vẫn kêu gọi hợp tác kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, bởi hai bên có rất nhiều tiềm năng. Khi ông đắc cử Thủ tướng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không quên gửi lời chúc mừng đến ông Morrison và khẳng định chính sách của nước này trong mối quan hệ với Australia luôn “nhất quán và rõ ràng”.
Đáp lại thiện chí từ phía Trung Quốc, trong các phát biểu gần đây về quan hệ Trung Quốc và đồng minh Mỹ, Thủ tướng Australia Morrison đã tỏ rõ quan điểm cân bằng giữa hai bên chứ không hề đứng về phía Washington. Nhìn lại hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định, Australia sẽ giữ thái độ bình tĩnh trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông.
Thủ tướng Morrison cũng khẳng định, “công việc của Australia là cùng hợp tác với các bên nhằm làm giảm sự bất ổn và đó là điều mà Australia đang làm”. Và rằng, “Australia có mối quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc, vì vậy, ông cam kết sẽ nỗ lực làm việc để mang về kết quả mang tính chiến lược có lợi nhất cho đất nước. Và chuyến thăm Trung Quốc lần này của Bộ trưởng thương mại Australia Simon Birmingham cũng là nằm trong lộ trình thực hiện chiến lược cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Tính toán cân bằng là vậy nhưng rõ ràng, việc hiện thực hóa điều này lại không hề đơn giản và đôi khi lại nằm ngoài tầm kiểm soát của Australia. Theo giới quan sát, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang không ngừng căng thẳng gây hiệu ứng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Australia. Trong khi đó, bản thân Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rõ ràng cũng sẽ không “hài lòng” với một đồng minh “nước đôi” với quan điểm trung lập như Australia.
Tất cả sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng ngoại giao của Thủ tướng Scott Morrison. Nhưng có lẽ, nỗ lực này cũng đang bị phân tán bởi bản thân ông Morrison cũng đang chuẩn bị phải đối phó với một cuộc tổng tuyển cử rất khó khăn tại Australia vào năm tới.