(Baonghean.vn) - Nghề PG, PB ("Promotion girl, "Promotion boy' nhân viên nữ, nam quảng cáo tiếp thị) đang tạo sức hút lớn đối với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là với các sinh viên. Công việc nhàn hạ, lương cao, nâng cao trình độ giao tiếp...là những yếu tố khiến công việc này trở nên hot ở thành Vinh hiện nay.
PG, PB là viết tắt của cụm từ “promotion girl” và “promotion boy” dùng để chỉ những cô gái, chàng trai làm hoạt náo viên quảng bá sản phẩm. Họ thường xuất hiện trong các chiến dịch marketing với những bộ cánh đẹp, khuôn mặt dễ thương. Ngay lúc đó, họ chính là đại diện cho một dòng sản phẩm hay thương hiệu nào đó.
Dáng dấp cao ráo, khuôn mặt ưa nhìn, trẻ trung, ăn nói lưu loát, khả năng giao tiếp tốt... là những yếu tố cần để làm một PG, PB. Những người này đại diện cho sản phẩm của công ty hay nhãn hàng, trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng phải nhất thiết phải hội đủ các yếu tố khiến khách hàng có cảm tình, tìm đến xem và dễ bị thu hút bởi lối ăn nói của các PG, PB.
PG, PB đang trở thành một công việc tay trái làm thêm được các bạn trẻ, nhất là sinh viên lựa chọn trong những năm gần đây ở thành phố Vinh. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có “duyên” để được các công ty, hãng nhận vào làm công việc này. Trong khi đó, có không ít cô cậu sinh viên lại khá dễ dàng, thậm chí liên tục được “mời” làm PG, PB.
Nguyễn Hải Yến, sinh viên năm thứ 3 (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh) đã có kinh nghiệm 2 năm làm PG. Yến bén duyên với nghề này trong một lần được cô bạn thân (cũng làm Pg) có việc đột xuất, nhờ Yến đến thay vị trí của mình. Yến có khuôn mặt khả ái, nhanh nhẹn, giao tiếp linh hoạt nên khi thay bạn thực hiện công việc khá thuận lợi. Sau lần ấy, Yến lọt vào mắt quản lý nhãn hàng của công ty và liên tục được gọi đi làm khi có các chương trình khuyến mãi hay ra mắt sản phẩm mới.
Yến cho biết, làm PG khá thoải mái, không gò bó về thời gian, không bị ảnh hưởng đến việc học tập, mức lương mỗi ngày di dịch từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng, tùy từng chương trình. Vì thế, Yến rất thích công việc PG và trở thành một hoạt náo viên quen thuộc của nhiều hãng như: Maggi, Chinsu, Dutch Lady, Vifon...
Trước khi trở thành một PG, PB, mỗi người đều được được training (đào tạo) tại công ty, test (kiểm tra) thử việc cùng với các nhân viên qua phỏng vấn.
PG, PB thường làm theo từng đợt, ngắn hạn và không cố định về thời gian. Tùy vào từng chương trình, nhãn hàng quảng cáo có thể làm trong một tháng hoặc nửa tháng. Vì thế, những sinh viên thường làm công việc này không bị ảnh hưởng nhiều đến việc học. Thậm chí, nếu bận việc đột xuất, mình cũng có thể nhờ người khác làm thay, Yến chia sẻ.
“Nghề PG, PB không bị áp lực về doanh thu, doanh số, bán được sản phẩm càng tốt, không bán được vẫn được nhận lương đều đặn. Tiền lương làm một chương trình trong một tuần hơn hẳn tiền lương chạy bàn cà phê cả tháng. Công việc lại nhàn hạ nên các bạn trẻ ai cũng thích được làm nghề này”, bạn Công Anh (23 tuổi) hiện đang học nghề sửa chữa điện thoại (đường Nguyễn Du) nhưng đã có kinh nghiệm gần 3 năm làm tiếp thị quảng cáo cho hay.
PG, PB giúp các bạn trẻ, đặc biệt với sinh viên thu về cho bản thân được rất nhiều lợi ích: có thêm thu nhập cho việc học tập, tự tin hơn trong giao tiếp, hiểu biết hơn về nguồn gốc sản phẩm trên thị trường...
“Nghề PG, PB đã giúp mình có thêm thu nhập, đỡ một phần tiền học cho gia đình. Công việc này còn giúp mình mạnh dạn, ăn nói giỏi giang hơn. Nếu ra trường chưa tìm được việc làm, mình vẫn có thể tiếp tục làm Pg để vừa không lãng phí thời gian, vừa có thể tìm thêm cơ hội việc làm qua công việc này” - Phan Thị Hải Yến – sinh viên khoa Giáo dục (Đại học Vinh) chia sẻ về công việc cô đã gắn bó trong 2 năm qua.
Thiên Thiên