Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo kế hoạch họp bất thường cuối tháng tới tại Algeria, khi dầu thô gần đây xuống dưới 40 USD một thùng.

Quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới - Nga - cũng được chào đón tham gia dù không thuộc OPEC. Việc này đang làm dấy lên đồn đoán các nước sản xuất lớn có thể công bố biện pháp bình ổn giá.

Gần đây, giá này đã xuống dưới 40 USD một thùng, từ hơn 50 USD cách đây 2 tháng. OPEC đã bơm dầu ra thị trường với tốc độ kỷ lục suốt 2 năm qua, nhằm giành lại thị phần từ Mỹ.

Việc OPEC xác nhận họp vào 26-28/9 đã giúp giá dầu WTI tăng 3% hôm qua, lên 43 USD một thùng. Mohammed Bin Saleh Al-Sada - Chủ tịch OPEC kiêm Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho rằng giá dầu giảm "chỉ là tạm thời" và thị trường vẫn đang hồi phục.

images1652459_opec_1540_1470733351.jpgOPEC sẽ tổ chức họp vào cuối tháng tới. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, rất nhiều nền kinh tế sống dựa vào dầu mỏ vẫn đang gặp khó. Venezuela - nước có dự trữ dầu lớn nhất thế giới, có thể cạn kiệt tiền mặt trong vòng một năm và đang thiếu thốn lương thực.

Kể cả Saudi Arabia - nước quyền lực nhất trong OPEC cũng phải giảm ngân sách, châm ngòi cho làn sóng cắt giảm nhân sự. Tuần trước, Ấn Độ đã phải giải cứu hàng nghìn công dân nước này đang mắc kẹt tại Saudi Arabia vì thất nghiệp và phải sống nghèo khổ trong các trại cho người di cư.

Kinh tế Nga thì vẫn chịu ảnh hưởng từ cú đúp giá dầu rẻ và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nga thậm chí cắt giảm chi phí quốc phòng, bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng.

Bộ trưởng Năng lượng Nga - Alexander Novak cho biết ông không nghĩ rằng điều kiện thị trường đã đủ để hạn chế sản xuất. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định việc này là cần thiết nếu giá giảm thêm, và sẵn sàng bàn bạc vấn đề này tại Algeria.

Các tín hiệu mới nhất về sự hợp tác giữa các nước sản xuất dầu mỏ cho thấy "áp lực lớn mà họ phải đối mặt trong tình hình kinh tế hiện tại", hãng nghiên cứu JBC Energy nhận định trong báo cáo hôm qua.

Dù vây, việc OPEC tổ chức họp khẩn không có nghĩa họ có thể đồng ý đặt trần sản xuất, chứ chưa nói đến cắt giảm. "Chúng tôi nghi ngờ việc này", các nhà phân tích tại Brown Brothers Harriman cho biết. Lý do là các nước ít có ảnh hưởng như Venezuela và Ecuador không có mấy tiếng nói trong những đợt đàm phán hạn chế sản xuất gần đây.

Thách thức lớn nhất là Iran. Nước này vẫn phản đối hạn chế sản xuất cho đến khi sản lượng của họ về mức trước khi bị trừng phạt.

Trong phiên châu Á chiều nay, giá dầu lại quay đầu đi xuống. Dầu WTI còn 42,56 USD một thùng. Trong khi đó, dầu Brent còn 44,86 USD.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN