(Baonghean) - “Chúng tôi nhận thức rõ yêu cầu của việc cân bằng thị trường trong những tháng tới” - tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trong cuộc gặp hôm 23/10 với những người đồng cấp của các nước vùng Vịnh được xem là tín hiệu tích cực về khả năng Nga sẽ cùng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tham gia cắt giảm sản lượng dầu mỏ thế giới. Dù vậy, OPEC vẫn phải chờ đợi cam kết cuối cùng của Nga vào cuối tháng 11 tới, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tại Vienna, Áo, từ đó mới có thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của giá dầu trên thị trường thế giới. 
 
Phản ứng khó đoán định 
 
Hồi cuối tháng 9, khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC)  thống nhất cắt giảm sản lượng dầu khai thác khoảng 700.000 thùng/ngày, các nhà phân tích đã nhận định thỏa thuận của các nước OPEC chỉ có ý nghĩa nếu các nước xuất khẩu dầu ngoài khối cùng tham gia vào nỗ lực này.
 
Trong khi một số nước như Mexico, Na Uy, Azerbaijan bày tỏ hào hứng nhất định với quyết định của OPEC, thì Nga - nước được cho là có vai trò quan trọng nhất trong các nước xuất khẩu dầu không thuộc OPEC lại có phản ứng hết sức mập mờ.
 
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khi đó đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của OPEC, nhưng lại đồng thời khẳng định “Nga vẫn tiếp tục duy trì sản lượng khai thác hiện nay”. Ông Novak “đẩy quả bóng” cho các doanh nghiệp Nga khi nói rằng quyết định của Nga phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và các kế hoạch của doanh nghiệp.
 
Trong khi đó, những tập đoàn hàng đầu của Nga như Rosneft, Gazprom hay Lukoil đều tỏ ý không mấy hứng thú với đề xuất của OPEC và lại “đẩy bóng” ngược lại khi tuyên bố sẽ tuân thủ các quyết định của chính phủ. Nga còn “dội gáo nước lạnh” vào các nỗ lực của OPEC khi ít ngày sau công bố mức khai thác kỷ lục trong tháng 9 ở mức hơn 11,1 triệu thùng/ngày. 
 
resize_images1725150_gia_dau_1___reuters.jpgBộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát đi tín hiệu về khả năng hợp tác với OPEC. Ảnh: Reuters
Sự thiếu chắc chắn của Nga còn thể hiện trong chính những tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin. Trong một diễn đàn về năng lượng tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/10, ông Putin tuyên bố Nga sẽ xem xét việc đóng băng hoặc cắt giảm sản lượng như một cam kết tham gia thỏa thuận chung của OPEC.
 
Nhưng chỉ 2 ngày sau, chính ông lại thừa nhận thị trường thế giới có thể sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận mà OPEC đang thiết lập, nhưng Nga lại không có những điều kiện cần thiết để đóng băng hay cắt giảm sản lượng của mình.
 
Bởi vậy, việc Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cùng ngồi với Bộ trưởng Năng lượng các nước vùng Vịnh để bàn về mức trần khai thác cụ thể cho mỗi bên - dù mức này chưa được công bố - được đánh giá là bước đi cụ thể đầu tiên thể hiện cam kết của Nga với OPEC trên thực tế.
 
Đó là lý do khiến Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih tỏ ra khá lạc quan khi nói rằng OPEC, Nga đã đạt được sự đồng thuận, và hoàn toàn có thể trông đợi vào triển vọng phục hồi giá dầu trong thời gian tới. 
 
Những toan tính của Nga 
 
Tín hiệu tích cực mà Nga phát đi từ cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng các nước vùng Vịnh được coi là điểm sáng hiếm hoi trong mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Saudi Arabia, khi 2 bên giữ quan điểm rất mâu thuẫn trong các vấn đề liên quan tới Syria và Yemen. Bởi vậy, các nhà phân tích cho rằng chắc chắn Nga phải có những toan tính rất kỹ lưỡng đằng sau động thái nhún nhường này. 
 
Sau khi chạm mức trên 100 USD/thùng vào năm 2014, giá dầu đã giảm sâu và có lúc xuống gần mức 25 USD/thùng đẩy nền kinh tế các nước xuất khẩu dầu vào tình cảnh lao đao, và Nga không phải là ngoại lệ. Cùng với các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea, nền kinh tế Nga càng “xuống dốc không phanh”.
 
Nhưng chính trong thời điểm khó khăn nhất đó, phương án giảm sản lượng vẫn không khiến Nga hứng thú bởi với gần 50% nguồn thu ngân sách được thu từ xuất khẩu dầu, Nga sẽ càng phải bán ra nhiều để duy trì doanh thu.
 
Còn ở giai đoạn hiện nay, khi giá dầu đã hồi phục ở mức trên 50 USD/thùng, vượt ngưỡng tính toán dự thảo ngân sách trong 3 năm 2017-2019 là 40 USD/thùng, Nga không còn quá nhiều áp lực phải duy trì sản lượng hiện tại nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách. 
 
Nga không còn áp lực duy trì sản lượng khai thác dầu lửa cao để bù đắp nguồn thu ngân sách. Ảnh: CNBC
 
Ông John Kilduff, chuyên gia nghiên cứu về thị trường năng lượng của Quỹ Again Capital nhận định giá dầu sẽ chạm mức 55 USD/thùng vào cuối năm 2016, trong khi ông Khalid al-Falih thậm chí đưa ra nhận định lạc quan hơn về mức giá 60 USD/thùng, và lên cao nữa trong năm 2017.
 
Nếu điều này xảy ra, Nga sẽ thực sự vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, và quan trọng hơn là chứng minh “sự dẻo dai” của nền kinh tế Nga, khôi phục hình ảnh “gấu Nga trỗi dậy” vốn mang lại uy tín rất cao cho Tổng thống Vladimir Putin đối với người dân Nga. Tuy nhiên, vấn đề Nga đang phải cân nhắc nhiều nhất hiện nay là yếu tố kỹ thuật.
 
Hiện các giếng dầu quan trọng nhất của Nga đều nằm ở vùng Siberia dưới các lớp băng vĩnh cửu. Chỉ cần đóng cửa trong một thời gian ngắn hoặc giảm tần suất khai thác, các lớp băng mới sẽ hình thành và chi phí sẽ tăng lên rất nhiều khi khai thác trở lại. 
 
Vì vậy, việc lần đầu tiên trong 8 năm OPEC thống nhất được mục tiêu cắt giảm sản lượng, việc Nga gạt bỏ bất đồng với Saudi Arabia để cùng hợp tác với OPEC được đánh giá là cú hích quan trọng đối với thị trường dầu thế giới. Thế nhưng đến thời điểm này, OPEC vẫn đang hồi hộp chờ đợi cam kết cụ thể từ phía Nga trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 30/11 tới tại Vienna, Áo. 
 
Thúy Ngọc