080008-1.jpg

Trạm vũ trụ ISS thoạt tiên được hình thành với nhiều nhiệm vụ trong đó có vai trò làm trạm cung cấp nhiên liệu cho các chuyến bay xa hơn vào vũ trụ bao la - Ảnh: AFP

Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) có thể trở thành một dự án thương mại do khu vực tư nhân điều hành và khai thác. Đó là mong muốn của ông chủ Nhà Trắng sau chủ trương của người tiền nhiệm đã quyết ngừng cấp kinh phí cho phòng thí nghiệm không gian tốn kém này trong vài năm tới.

Tờ Washington Post ngày 11-2 dẫn một tài liệu nội bộ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch tư nhân hóa trạm ISS.

Theo tài liệu này, quyết định chấm dứt sự hỗ trợ trực tiếp của Washington cho ISS vào năm 2024 không đồng nghĩa trạm không gian này sẽ phải rời quỹ đạo Trái Đất và kết thúc sứ mệnh nghiên cứu. Có thể NASA sẽ tiếp tục điều hành một số hoạt động của ISS.

Cũng theo tài liệu trên, NASA sẽ mở rộng danh sách các đối tác thương mại và quốc tế trong 7 năm tới nhằm duy trì hoạt động của ISS để đảm bảo con người tiếp tục tiếp cận được và hiện diện ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Chính quyền Tổng thống Trump đã đề xuất cấp 150 triệu USD cho hoạt động của ISS trong tài khóa 2019 và tiếp tục cấp ngân sách cho phòng thí nghiệm này trong các năm tới. Nhưng ông cũng muốn lấy lại số tiền đó càng nhiều càng tốt nếu phía tư nhân chịu chi để được tham gia vào khai thác ISS.

Mục đích của đề nghị ngân sách này là để phát triển các khía cạnh và năng lực thương mại nhằm bảo đảm các công ty thương mại "kế thừa" ISS có thể hoạt động khi cần trong bối cảnh cuộc đua vào không gian đang phát triển mạnh mẽ trở lại với các dự án của tư nhân.

Phi hành gia Kate Rubins chỉnh sửa cáp tại trạm ISS vào ngày 19-8-2016 - Ảnh: AFP

Để tiến trình chuyển tiếp suôn sẻ, Nhà Trắng dự định yêu cầu lĩnh vực tư nhân cung cấp các báo cáo phân tích thị trường và các kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch tư nhân hóa ISS nhiều khả năng sẽ đối mặt với nhiều ý kiến phản đối.

Mỹ đã chi hơn 100 tỉ USD từ lúc khởi động dự án, và thời gian qua đã đóng góp khoảng 3-4 tỉ mỗi năm để duy trì hoạt động và hỗ trợ trạm nghiên cứu ISS vốn là công trình chung với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Thám hiểm Không gian Vũ trụ Nhật (JAEA) và Cơ quan Vũ trụ Nga (RSA).

Kể từ đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống George W. Bush năm 2001-2009, NASA đã cho thầu lại một số hoạt động hỗ trợ ISS, bắt đầu với việc các chuyến bay cung ứng do các tập đoàn công nghệ SpaceX và Orbital ATK thực hiện. Việc các công ty tư nhân tiếp quản một số hoạt động hậu cần cho ISS phổ biến hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Ba nhà du hành vũ trụ trong khoang chật hẹp của ISS - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, hiện chưa rõ các công ty thương mại tư nhân có thể hưởng lợi thế nào từ việc thầu lại hoạt động của trạm nghiên cứu không gian vốn đang xuống cấp này. NASA hiện chưa đưa ra bình luận.

ISS có không gian sống cho tối đa 6 người. Di chuyển theo quỹ đạo cách Trái Đất 400 km với vận tốc khoảng 28.000 km/h, ISS mất 90 phút để hoàn thành một vòng quay quanh Trái Đất.

Mặc dù được phóng lên quỹ đạo từ năm 1998, nhưng phải đến ngày 2-11-2000, trạm ISS mới tiếp đón 3 phi hành gia đầu tiên của Đội thám hiểm số 1, bao gồm Bill Shepard của NASA, phi hành gia người Nga Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev trong một chuyến làm việc kéo dài 136 ngày.