Cuộc gặp Nhà vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman diễn ra sau các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia mà Riyadh và Mỹ đổ trách nhiệm cho Iran - một đồng minh của Moskva.
Theo nhà phân tích chính trị người Nga Fydor Lukyanov, dầu lửa sẽ là “chủ đề chính của cuộc thảo luận” giữa các nhà lãnh đạo, trong bối cảnh một thỏa thuận giữa 24 thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) sẽ hết hiệu lực vào mùa Xuân tới.
Nga không phải thành viên OPEC, tổ chức do Saudi Arabia đứng đầu, nhưng Moskva đã hợp tác chặt chẽ với nhóm này nhằm hạn chế nguồn cung và đẩy tăng giá sau đợt trượt giá năm 2014 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga.
Moskva và Riyadh - một đồng minh truyền thống của Washington - đã hâm nóng quan hệ nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là với chuyến thăm đầu tiên của Vua Salman tới Nga vào tháng 10/2017.
1 năm sau đó, khi Thái tử Mohammed bin Salman bị chỉ trích sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã lại gần và bắt tay Thái tử tại một hội nghị thượng đỉnh G20, thu hút nhiều bình luận.
Trong một cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình tiếng Arập trước thềm chuyến thăm lần này, Putin đã ca ngợi quan hệ tốt đẹp của mình với Nhà vua và Thái tử Saudi Arabia. “Chúng tôi chắc chắn sẽ hợp tác với Saudi Arabia và các đối tác cùng bằng hữu khác trong thế giới Arập… để giảm về không bất kỳ nỗ lực nào hòng gây bất ổn cho thị trường dầu lửa”, ông nói trong cuộc phỏng vấn phát hôm 13/10.
“Vai trò kiến tạo hòa bình”
Chuyên gia phân tích Lukyanov nói rằng Moskva - có quan hệ lâu năm hơn với Iran cũng như những liên hệ mới với Saudi Arabia - có thể “sắm vai người kiến tạo hòa bình” trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia tiếp tục tăng.
Những căng thẳng này tăng cao hồi tháng trước, sau các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu thô của vương quốc này giảm một nửa và khiến các thị trường dầu bị ảnh hưởng.
Phe nổi dậy Huthi ở Yemen đã tuyên bố nhận trách nhiệm, song giới chức Mỹ quy trách nhiệm cho Iran và khẳng định các phần tử nổi dậy nói trên không sở hữu tầm bắn và độ chính xác đủ để tấn công các cơ sở này.
Tehran đã phủ nhận liên quan và cảnh báo “chiến tranh tổng thể” nếu xảy ra tấn công nhằm vào lãnh thổ của họ.
Nga đã nỗ lực dung hòa đôi bên - hứa hẹn cung cấp tên lửa cho Riyadh phòng thủ, đồng thời cảnh báo chớ “kết luận vội vàng” liên quan đến sự dính líu của Iran.
Hồi tuần trước một tàu chở dầu của Iran đã bị tấn công, nghi là do các tên lửa phóng từ ngoài khơi Saudi Arabia, châm ngòi lo sợ xảy ra xung đột mới.
“Trong chừng mực khả năng của Nga, chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để tạo ra các điều kiện cần thiết cho một động lực tích cực” nhằm xoa dịu căng thẳng, Putin phát biểu trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Chủ nhật vừa qua.
Vấn đề Syria
Cố vấn Điện Kremlin Yuri Ushakov nói rằng, cuộc xung đột Syria cũng nằm trong nội dung thảo luận của các nhà lãnh đạo ngày 14/10.
Nga và Iran là đồng minh ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi người Saudi Arabia ủng hộ phe đối lập. Nhưng “điều quan trọng với Nga là một quốc gia Arập tham gia vào giải pháp chính trị tại Syria”, Lukyanov khẳng định.
Ông cho biết, cho tới nay, “chỉ có 3 quốc gia không phải Arập” - Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran - đứng ra tổ chức các cuộc đối thoại.
Về khía cạnh kinh doanh, theo Ushakov, chuyến thăm dự kiến sẽ đem lại khoảng 30 hiệp định và hợp đồng. Khoảng hơn 10 văn kiện trong số này - thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng và cơ sở hạ tầng - sẽ được Quỹ Chủ quyền Nga ký kết với trị giá khoảng 2 tỷ USD.
Vào tháng 10/2017, Nga và Saudi Arabia cũng đã ký biên bản ghi nhớ mở đường cho việc Riyadh mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Moskva.
Tuy nhiên, thương vụ này chưa từng được hiện thực hóa, vì Saudi Arabia sau đó đã chọn mua một hệ thống của Mỹ.
Sau Saudi Arabia, Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) vào ngày 15/10 để gặp Thái tử Abu Dhabi là Mohammed bin Zayed Al-Nahyan.