(Baonghean) - Biết về Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa từ năm 2010, là độ ông nhận giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo KH&CN với công trình “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình” đã tiết giảm cho ngân sách gần 300 trăm tỷ đồng khi thực hiện Đại dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng. Nhưng, tôi chưa từng biết ông viết báo…

1.     Cậu bạn trẻ Lô Văn Thế, công tác tại Phòng Công thương huyện Quỳ Châu là người giới thiệu cho tôi biết về những bài viết của ông Hòa. Thế tâm đắc: “Có nhiều bài viết từng đăng trên Báo Nghệ An. Hay lắm…”. Lướt qua lời tựa, đầu đề một số bài viết, quả thực, cuốn “70 xuân - dặm dài sự nghiệp” đã gây ấn tượng mạnh trong tôi.

images1800358_2_copy.jpg

Trong nhiều bài viết được báo trung ương, địa phương sử dụng, ông lựa chọn ra 20 bài để đăng trên cuốn sách của mình. Nghiền ngẫm thấy rằng, ông chỉ viết về những vấn đề xã hội quan tâm mà ông thực sự am tường sâu sắc.

Và tôi đã đặc biệt thích thú với những bài ông phân tích sự lợi, hại của các công trình thủy điện, các vấn đề về biến đổi khí hậu và phản biện xã hội. Bởi như tôi nghĩ, với những nội dung này, dù ông viết từ cách nay đến cả chục năm trời nhưng nó không chỉ có giá trị ở giai đoạn trước đây, mà ở thì hiện tại, và có lẽ, cả tương lai nữa vẫn còn nguyên giá trị.

 Phản biện Đại dự án Hồ thủy lợi bản Mồng, ông Nguyễn Quang Hòa đã thực hiện “Công trình hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình. Công trình này đã giúp không phải di dời tái định cư khoảng 700 hộ dân và nhiều công trình công cộng, giữ được hàng trăm ha đất lúa… làm lợi cho ngân sách gần 300 tỷ đồng. Kết luận số 3772/TB-BNN-VP ngày 25/7/2011 của Bộ NN&PTNT đánh giá: “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình là kết quả nghiên cứu tổng hợp các phương án tối ưu, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao so với phương án bồi thương di dân tái định cư…”.

Dẫn ra bài “Cần có quy định điều hành chung cho các nhà máy thủy điện trên sông Lam” (Báo Nghệ An ngày 1/6/2010) làm ví dụ. Chỉ với tít bài, đã bật lên những trăn trở, băn khoăn và tâm huyết của tác giả. Ông đặt vấn đề “Trong sản xuất lương thực ở Nghệ An, thời kỳ thiếu nước gay gắt và thời vụ nghiêm ngặt là lúa trổ vụ đông xuân và gieo cấy vụ hè thu đều rơi vào chu kỳ sông Lam mùa cạn nước. Nay dòng nước mùa cạn lại bị cắt khúc để tích nước cho các nhà máy thủy điện ở thượng lưu đang là một vấn đề đặt ra rất nghiêm túc đối với sản xuất và đời sống…”.

Bằng sự am tường sâu sắc về thủy lợi, ông phân tích: “Về mùa cạn, do tích nước phục vụ các nhà máy, làm giảm lưu lượng về hạ lưu”; “…Về mùa lũ, diễn biến ngập mái bở và đất canh tác phía thượng lưu sẽ tăng lên ở mức độ phụ thuộc theo năng lực xả các cửa van.

Mặt khác, thế năng được tạo ra cùng với sự mất cân bằng hàm lượng phù sa trong dòng chảy do bị tích tụ ở các nhà máy thủy điện tạo nên xói lở phía hạ lưu nhất là các vùng bãi màu mỡ ven sông…”.

Một góc công trình Hồ thủy lợi Bản Mồng ở xã Châu Bình.

Sau những kiến giải này, ông đưa ra lời bàn: “Khai thác tiềm năng dòng chảy làm thủy điện là một chủ trương lớn đương nhiên phải chấp nhận thiệt hại ở mức cho phép. Song lợi, hại cần được đánh giá toàn diện trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa lợi ích, trong đó đặc biệt là an ninh lương thực quốc gia và môi trường sinh thái trên lưu vực.

Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực kéo dài kéo theo thời tiết diễn biến phức tạp khó lường, nên chăng hãy tạm ngừng xây dựng mới cho các nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng đi vào hoạt động để có thểm thời gian đánh giá. Bài học nhãn tiền về thủy điện xẩy ra ở các nước cũng như các tỉnh trong nước vẫn còn nóng hổi. Cần có quy định điều hành chung các nhà máy thủy điện trên sông Lam để tránh sự cố một trạm nào đó trên thượng nguồn kéo theo hậu quả dây chuyền cho phía hạ lưu là vấn đề cần được đề cập, xem xét…”.

2.     Đã biết, đã gặp nhưng chưa từng được nói chuyện, vậy nên tôi đã liên hệ và tìm đến nhà ông. Nguyên Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Nguyễn Quang Hòa sống cùng gia đình tại ngõ 7, đường Trần Quang Khải, P. Hà Huy Tập, TP. Vinh. Trong căn nhà đầm ấm, tôi được ông kể cho nghe lý do thực hiện phản biện dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, và những vấn đề ông đã viết.

Ông Nguyễn Quang Hòa.

“Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng với cao trình 76,4 sau khi hoàn thành sẽ gây ngập toàn bộ xã Châu Bình với hơn 770 hộ dân, 138ha ruộng lúa hai vụ và nhiều công trình khác. Châu Bình là một trong những vùng dân cư đông đúc, rộng lớn, trù mật bậc nhất của tuyến QL 48. Qua nghiên cứu dự án, thấy có nhiều điểm bất cập, thiếu tính khả thi, lại tốn kém cho ngân sách... Sao không tìm phương án tách xã Châu Bình ra khỏi vùng lòng hồ? Vì vậy, chúng tôi đã lấy tư cách là Trung tâm tư vấn ứng dụng KHKT&CNTL trình bày với Bộ NN&PTNT; sau đó là UBND tỉnh để làm công tác phản biện, đưa ra phương án bổ sung “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình” vào dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng. Và kết quả, như anh đã biết…” - ông tâm sự.

Từ chuyện Hồ thủy lợi Bản Mồng, ông tâm tư nhiều điều, nhất là về sự cần thiết của công tác phản biện xã hội. Ông nói rằng, năm 2003, Chính phủ đã có quyết định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Đại hội Đảng lần thứ X, Đảng ta cũng đã làm rõ vai trò phản biện xã hội. Nhưng do chưa được thể hóa bằng cơ chế chính sách; chưa quy định đối tượng buộc phải tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tâm lý của không ít người ở cơ quan có quyền lực thì còn ngại, thậm chí né tránh công tác phản biện…

3.     Ông là linh hồn của Đề án “Xây dựng cơ chế chính sách, đưa chủ trương phản biện xã hội vào cuộc sống ở Nghệ An”, để từ đây, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh giao cho Trung tâm của ông dự thảo Quyết định để UBND tỉnh ban hành Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Vậy nên tôi đã hỏi ông: “Có nhiều người thực hiện phản biện, nhưng số có được thành công không nhiều. Theo bác, làm công tác phản biện xã hội, người thực hiện phản biện cần những yếu tố gì?”.

Ông Hòa trên công trường xây dựng đập phụ, kênh tiêu Hồ thủy lợi Bản Mồng.

Ông cười vui: “Mình nghe câu “Hãy đứng trong hoàn cảnh của tôi thì anh sẽ hiểu tôi” và lấy đó là phương châm làm việc. Công tác phản biện như ngọn đèn pha khi chiếu vào sẽ lộ ra những điều được và chưa được. Với phương châm đã theo suốt cuộc đời, mình luôn tâm niệm, nếu muốn thực hiện phản biện xã hội,  phải trên quan điểm vì một xã hội dân chủ, công bằng văn minh; thực hiện phản biện phải theo một quy trình và phương pháp chặt chẽ, có cơ sở khoa học chắc chắn và là sự phân tích khoa học đánh giá có chọn lọc dựa trên các chuẩn mực xã hội đúng đắn…”.

Nghe ông phân tích, tôi như hiểu hơn những nhiệt huyết của ông lưu tại cuốn “70 xuân – dặm dài sự nghiệp”; và ngộ ra, sự thành công của ông, còn được xây nên từ một tấm lòng chân thiện…

Nhật Lân