Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ra tuyên bố cho biết: “Nhà lãnh đạo tối cao đã hối thúc các quan chức lãnh đạo cần phải hoàn toàn thể hiện ý thức trách nhiệm và sáng tạo cao, cùng tinh thần cách mạng tự lực, tự cường với thái độ phù hợp với những bậc thầy cách mạng và kiến thiết dưới tình hình căng thẳng hiện nay, do đó theo đuổi đường lối chiến lược mới của đảng”.
Đường lối chiến lược mới chỉ quyết định mà đảng Lao động cầm quyền đưa ra hồi tháng 4 năm ngoái, nhằm tập trung mạnh hơn vào phát triển kinh tế, cho thấy sự chuyển hướng từ chính sách "byongjin" nổi tiếng của ông Kim là tìm kiếm đồng thời phát triển kinh tế và hạt nhân.
Cuộc họp của đảng này diễn ra 2 ngày trước khi Triều Tiên dự kiến tổ chức phiên họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân Tối cao lần thứ 14 vào ngày 11/4.
KCNA cho biết, một phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng cầm quyền cũng sẽ được tổ chức ngày 10/4 “nhằm thảo luận và quyết định định hướng và cách thức đấu tranh mới phù hợp với sự cần thiết của tình hình cách mạng hiện nay”.
Đây là những cuộc họp thu hút sự chú ý theo dõi bởi Triều Tiên có thể tiết lộ những bước đi tiếp theo sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và ông Trump tại Hà Nội không đạt thỏa thuận. Chúng cũng diễn ra cùng thời điểm với cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Trump tại Washington, theo lịch diễn ra ngày 11/4 (giờ địa phương), và dự kiến Triều Tiên sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn.
Lim Eul-chul - Giáo sư Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam nhận định: “Những phát biểu của ông Kim trong cuộc họp Bộ Chính trị dường như sẽ một lần nữa làm rõ rằng ông muốn thắt chặt kỷ cương trong nước để đạt được đường hướng chiến lược mới. Đồng thời, ông Kim sẽ theo dõi chặt chẽ kết quả hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Mỹ”.
Tại thượng đỉnh ở Nhà Trắng, ông Moon được kỳ vọng sẽ tìm cách thu hẹp khác biệt giữa Mỹ-Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa và nới lỏng trừng phạt. Trong những tuần gần đây, giới chức Hàn Quốc bàn luận ngày càng nhiều về “một thỏa thuận đủ tốt” và sự cần thiết phải “thu hoạch sớm”, bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ có lập trường mềm mỏng hơn đối với thỏa thuận lớn và nhất trí được với phía Triều Tiên.
Tuy nhiên, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định toàn bộ lệnh trừng phạt sẽ giữ nguyên. Ông Pompeo trả lời “có” khi được hỏi trong phiên điều trần tại Thượng viện rằng liệu “gây sức ép kinh tế cực đại” có tiếp tục là lập trường của chính quyền Trump về Triều Tiên không.
Hồi tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui của Triều Tiên cảnh báo rằng nước này có thể chấm dứt các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, tuyên bố họ sẽ không nhượng bộ trước những yêu cầu kiểu găng-xtơ của Washington. Bà nói thêm rằng ban lãnh đạo Triều Tiên sẽ sớm thông báo về việc liệu nước này có tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân hay không.