(Baonghean) - Từ lâu, câu chuyện “đầu tiên - tiền đâu” luôn là vấn đề đau đầu cho những người làm bóng đá Việt Nam. Bởi với nguồn thu từ hoạt động bóng đá hiện nay chưa thể trang trải được các hoạt động cho các CLB mà phần lớn vẫn phải nhờ vào hầu bao của các Mạnh Thường Quân.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân 

SLNA rất cần sự đồng hành của các nhà tài trợ để có thêm động lực mới trước mỗi mùa giải.
SLNA rất cần sự đồng hành của các nhà tài trợ để có thêm động lực mới trước mỗi mùa giải. Ảnh: Đức Chuyên

Trên thực tế nếu CLB nào may mắn gặp được các nhà tài trợ tâm huyết, hầu bao rủng rỉnh như CLB Hà Nội, HAGL, B.Bình Dương... thì chuyện cạnh tranh chức vô địch là nằm trong tầm tay, còn không thì chỉ lo chuyện trụ hạng!

Ở V.league, SLNA tuy là một CLB giàu truyền thống, nhưng lại được xếp vào tốp “con nhà nghèo”, thường xuyên phải “liệu cơm gắp mắm” mỗi khi bước vào mùa giải mới. Năm nào cũng thế, cứ bắt đầu mùa giải là lãnh đạo CLB SLNA lại loay hoay chờ xin ý kiến nhà tài trợ để “tùy cơ ứng biến”. Nhưng rốt cuộc vẫn là “có chi dùng nấy”!

Chính vì nguồn tài chính không dồi dào, mấy mùa bóng gần đây SLNA luôn xảy ra tình trạng “chảy máu” cầu thủ. Đáng lẽ ra, để chuẩn bị cho mùa giải mới, CLB sẽ có kế hoạch mua sắm hoặc giữ chân những cầu thủ trụ cột, nhưng với SLNA chuyện đó là xa xỉ. Thế nên, quanh đi quẩn lại vẫn cứ điệp khúc “dùng cây nhà lá vườn” là những cầu thủ trẻ được đôn lên từ các đội U21, U23, còn ngoại binh thì vẫn là loại hàng dạt, giá rẻ.

Trong lần trao đổi với phóng viên gần đây, ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành CLB SLNA cho rằng: “Hiện nay, để nghĩ chuyện cạnh tranh chức vô địch ở V.League, các CLB cần phải đầu tư mỗi năm ít nhất là 80 tỷ đồng, trong khi đó, SLNA cả tiền tỉnh hỗ trợ và Ngân hàng Bắc Á tài trợ cũng mới khoảng hơn 50 tỷ đồng”.

Ông Hồ Văn Chiêm cũng tâm tư rằng, làm bóng đá ở Việt Nam bây giờ xu thế chung là rất khó kêu gọi các nhà đầu tư, bởi khác với các nước khác, đầu tư vào bóng đá họ có thể thu lại lợi nhuận từ bản quyền truyền hình, tiền bán vé, tiền thương hiệu... còn ở Việt Nam thì mới chỉ dừng lại ở “quảng bá thương hiệu” cho nhà đầu tư, chứ lợi nhuận thực tế là chưa có.

Do đó, chỉ có Mạnh Thường Quân nào thật yêu thích bóng đá hoặc là cần “đánh bóng tên tuổi” thì mới đầu tư vào bóng đá. Mà những Mạnh Thường Quân cần đánh bóng tên tuổi thì rất ít và cũng rất bấp bênh, bởi khi gây dựng được thương hiệu thì họ cũng nhanh chóng tìm cách rút ra khỏi bóng đá.

Theo ông Chiêm, muốn các nhà tài trợ hỗ trợ các đội bóng thì địa phương cũng phải có chính sách tạo điều kiện, ưu đãi họ, bởi đã làm kinh doanh thì phải có lợi nhuận! 

Với phương châm “ông có chân giò, bà thò chai rượu”, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... đã tìm cách kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào các CLB bóng đá thay vì phải dùng ngân sách tỉnh để hỗ trợ đội bóng.

Và trên thực tế, nhờ chính sách này, các đội bóng Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa... đang là những hiện tượng, thế lực mới ở V.League trong những mùa giải gần đây. Hy vọng rằng, sắp tới, ngoài Ngân hàng Bắc Á, CLB SLNA cũng sẽ có thêm những nhà tài trợ cùng đồng hành với đội bóng, với “Niềm tự hào xứ Nghệ”, để SLNA tránh được cảnh “giật gấu vá vai” trước mỗi mùa giải!

Đức Chuyên

TIN LIÊN QUAN