Chuyển làn là việc đơn giản với các tài xế con người. Nhưng với ôtô thì khác. Thay vì dùng chất xám và cơ bắp, xe tự lái đưa ra quyết định bằng cách sử dụng lập trình, trí thông minh nhân tạo (AI) và các hệ thống nhận biết trên xe như tia laser, camera và radar.
Tạp chí Popular Sciencehỏi bốn công ty khác nhau để tìm câu trả lời: drive.ai (một start-up ở Stanford, Mỹ), nuTonomy (từ Học viện MIT), Uber, và Waymo. Câu hỏi là: "Những chiếc xe 'nghĩ' gì khi quyết định chuyển làn?".
Đọc đèn tín hiệu
Những tín hiệu rải rác ở môi trường xung quanh cung cấp các manh mối quan trọng cho bộ não robot. Một chiếc xe của drive.ai có thể hiểu rằng một ôtô dừng ở đèn xanh có thể do bị hỏng. Các thuật toán cũng có khả năng kết luận rằng đèn khẩn cấp được bật trên một chiếc xe chạy phía trước có nghĩa xe đó sẽ không đi tiếp nữa.
Suy luận
Ôtô con và cả xe tải dừng, đỗ ở khúc cua thường chắn một phần đường đi. Với xe tự lái, nguyên tắc là một ôtô đã đỗ sẽ chỉ nằm trong giới hạn làn đường. Những chiếc xe thông minh từ nuTonomy và drive.ai coi đó là một nhân tố khi quyết định có vượt qua hay không. Nếu xe phía trước ở gần một chỗ rẽ hơn là phần đường trung tâm, ôtô robot có thể chọn cách đi vòng qua.
Biết rõ đường đi
NyTonomy, đã thử nghiệm xe tự lái ở Singapre và Boston (Mỹ), có kinh nghiệm về việc tích lũy hiểu biết về đường phố nội đô. Ví dụ có những vị trí nếu gặp một xe tải đang đỗ, xe của nuTonomy sẽ nghiêng về lựa chọn vượt qua. Nhưng nếu nghi ngờ rằng ôtô kia chỉ dừng tạm thời, xe tự lái sẽ đứng đợi phía sau - cách xử lý thận trọng này khá điển hình trong thực tế.
Chia sẻ đường phố
Trên đường phố không chỉ có ôtô con hay xe tải, mà còn môtô, xe đạp và người đi bộ. Một ôtô tự lái có thể tự phanh nếu ai đó cắt ngang đường một cách bất cẩn. Những chiếc xe của Waymo có thể tránh được xe đạp nhờ hệ thống camera, laser và radar giúp nhận diện, phân tích mọi dữ liệu liên quan như khoảng cách hay tốc độ để quyết định hành động.
Chuyển làn
Định vị là một trong những lý do tốt nhất để một xe tự lái liều chuyển làn. Đội ngũ ở Uber lập trình cho ôtô tự lái có thể kiểm tra đủ khoảng cách với những xe khác hay không trước khi hành động. Một cơ sở quan trọng chính là "nguyên tắc hai giây" để tính khoảng cách an toàn.
Tự liên lạc
Một chiếc xe cỡ lớn có thể chắn tầm nhìn phía trước với cả tài xế con người lẫn robot, vì thế ôtô tự lái đang chạy phía sau một xe tải có thể giữ nguyên vị trí cho tới khi có con người can thiệp vào. Nếu chiếc xe kềnh càng phía trước chuyển làn, hoặc nháy xi-nhan, xe tự lái sẽ tìm cách để vượt. Tuy nhiên, công nghệ hiện cho phép xe cộ liên lạc với nhau và nhờ cách này, một chiếc xe tải đang đỗ có thể chia sẻ trạng thái với những ôtô đang ở gần, giống như báo tin "Tôi đang đỗ, cứ vượt qua".