Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong ASEAN sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018. Các DN ô tô lớn ở Việt Nam nói sẽ ở lại Việt Nam nhưng đã tính đến việc giảm sản xuất một số dòng xe, chỉ tập trung ở một số dòng chủ đạo.

Đồng loạt giảm số dòng xe

Tại cuộc họp với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam ngày 28/2, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, việc thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong ASEAN giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018 rõ ràng sẽ có tác động đến thị trường ô tô Việt Nam.

Phân tích số liệu thống kê nhập khẩu của Việt Nam và số liệu sản xuất, bán hàng của các nước ASEAN, ông Hoài cho hay dường như các tập đoàn ô tô có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam, chỉ duy trì sản xuất ở Việt Nam với mức thấp. Hoặc cũng có thể đây là chiến lược trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất sau này khi quy mô thị trường trong nước Việt Nam đủ lớn, tuy nhiên đây không phải là xu thế chính.

resize_images1837380_1.jpgPhía Honda Việt Nam cam kết sẽ duy trì sản xuất trong nước, tập trung vào dòng xe có lợi thế về sản lượng song song với nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

“Quyết định đặt cơ sở sản xuất lắp ráp hay nhập khẩu từ các nước trong khu vực của các hãng sản xuất phụ thuộc vào chiến lược phân chia thị trường và phát triển chuỗi sản xuất của mỗi hãng”, ông Hoài nói.

Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita cho rằng giá thành sản xuất xe trong nước vẫn đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Việc thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 0% vào năm 2018 về góc độ thị trường là tốt nhưng từ góc độ sản xuất thì đó là thách thức lớn.

Đại diện Toyota Việt Nam cho hay: Chúng tôi phải quy hoạch lại, thu hẹp lại những dòng xe sản xuất. Năm ngoái chúng tôi sản xuất 5 dòng xe thì năm nay làm 4 dòng. Như vậy 4 dòng xe này có thể tăng được sản lượng. Nếu sản lượng 1 năm giữ mức 50 nghìn xe thì chúng tôi sẽ cố gắng duy trì sản xuất.

Đại diện Toyota nói: Chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc giải pháp này, từ 4 mẫu có thể sẽ giảm còn 2-3 mẫu, tập trung làm 2-3 mẫu này và nâng sản lượng từng mẫu một.

Ông Kayano Kiwamu, Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cũng cho biết vẫn mong muốn duy trì phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên điều đó rất khó khăn trong bối cảnh dung lượng thị trường Việt Nam còn nhỏ, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chính sách ưu đãi chưa rõ ràng…

Phía Honda Việt Nam cam kết sẽ duy trì sản xuất trong nước, tập trung vào dòng xe có lợi thế về sản lượng song song với nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

“Từ nay đến 2018 Honda sẽ tập trung chủ yếu sản xuất, lắp ráp các dòng xe Honda City, CRV, một số dòng xe khác như Civic, Accord… sẽ chuyển sang nhập khẩu”, đại diện Honda cho biết.

Ông Phạm Văn Dũng, Công ty Ford Việt Nam cho rằng: Hiện Ford đang bán 6 dòng xe. 4/6 dòng xe là sản xuất trong nước. Trong tương lai có thể có thay đổi là chúng tôi tập trung vào 1-2 dòng xe có sản lượng lớn và có cơ hội xuất khẩu sang nước khác.

Đại diện GM Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì sản xuất ở Việt Nam khi DN này hiện bán 10.000 xe thì có 90% là sản suất trong nước, 10% là nhập khẩu từ Thái Lan.

Cần thêm hỗ trợ

Dù khẳng định sẽ tiếp tục sản xuất ở Việt Nam, thế nhưng các DN đều cho rằng Chính phủ cần có thêm cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, chẳng hạn thuế nhập khẩu linh kiện để giảm mức chênh lệch giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Bởi chi phí sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam đang cao hơn các nước ASEAN khoảng 20%. Các DN này cũng đề nghị cần có giải pháp nâng cao dung lượng thị trường của Việt Nam thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, phải hạn chế tình trạng gian lận thương mại khi nhập khẩu xe…

Không đồng tình với việc các DN ô tô “đổ lỗi” cho dung lượng thị trường nhỏ bé là yếu tố gây khó cho sản xuất lắp ráp ô tô, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng với 20 nhà sản xuất, lắp ráp ô tô thì dung lượng thị trường có tăng lên 1 triệu cũng không đáp ứng nổi miếng bánh cho tất cả DN.

Ôtô nhập khẩu từ Ấn Độ giá rẻ đang là thách thức không nhỏ với ngành sản xuất ôtô trong nước.

“DN cũng phải nghĩ thị trường ngoài Việt Nam, kể cả ASEAN và khu vực khác, không thể chỉ lấy dung lượng thị trường Việt Nam còn nhỏ bé để biện hộ. Câu chuyện xuất khẩu các DN có đặt ra hay không?”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu chất vấn.

Vị này cho rằng: Nếu định hướng được xuất khẩu, tôi kiến nghị thay vì lắp ráp 5-6 mẫu, thì các hãng chỉ nên tập trung 1-2 mẫu cho toàn khu vực. Nói cách khác, người tiêu dùng các nước muốn mua mẫu xe đó chỉ mua được mẫu sản xuất ở Việt Nam. Ngược lại người Việt Nam muốn mua mẫu xe nào đó thì chỉ mua được xe sản xuất ở các nước khác. Như vậy mới tăng được thị phần sản xuất cho Việt Nam.

Nói về giải pháp cho ngành ô tô thời gian tới, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng đề xuất 4 nhóm giải pháp. Trong đó sẽ tạo dựng thị trường ô tô trong nước đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại như giá khai báo thuế, gian lận tỷ lệ nội địa nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan; Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, cụ thể có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như đối với xe sản xuất trong nước.

Ngoài ra, ông Hoài cũng đề cập đến các giải pháp hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh. Chẳng hạn, điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN