(Baonghean) - Có một bận, tôi thấy một status của cô bạn tôi nhắc đến lòng yêu nước. Và cô ấy nói là mảnh đất này chắc là khó mà yêu nổi.

Nhiều bạn trẻ khác, đặc biệt là các bạn trẻ đi du học nước ngoài, cũng hay post lên những suy nghĩ ấy, nói rằng sao mà giao thông ở ta sao mà lộn xộn, sao mà ở ta luật lại thua lệ, sao mà, sao mà…. Không như ở các nước này, nước kia.

Cô ấy có sai không? Không, không sai. Nó đúng với những gì đang diễn ra và cũng đúng với tâm trạng nhiều bạn trẻ bây giờ.

Tôi chợt tự đặt cho mình cùng câu hỏi đó, và nói thật là tôi cũng không biết là mình có yêu nước hay không. Nhưng khi ngồi ở nơi xa xôi này, nếu ai đó hỏi tôi là nhớ gì về Việt Nam, tôi sẽ nhớ đến cái gì nhỉ?

Tôi sẽ nhớ đến quán vịt ở đường Trần Đại Nghĩa gần Đại học Bách khoa mà tôi mới chỉ đến một lần với hội bạn thân. Quán có ông chủ trọc đầu, người nhỏ nhỏ và xăm chi chít. Lý do tôi nhớ đến cái quán rất tầm thường ấy cũng đơn giản, vì ông chủ mở mồm ra là kèm theo câu chửi thề, nhưng lại sẵn lòng mời chúng tôi không tính tiền món cổ cánh anh để dành hầm canh.

Tôi nhớ đến hội mấy thằng bạn thân từ cấp 3, suốt ngày nhậu nhẹt. Có một đợt chúng tôi chỉ nhậu với nhau từ sau 10h đêm đến sáng. Có một đợt anh em chỉ ngồi với nhau lúc có thằng trong nhóm buồn. Giờ 2 thằng trong nhóm lấy vợ rồi, vợ chúng nó đã được kết nạp luôn vào hội nhậu.

Tôi nhớ đến bà bán sữa đậu nành ở Vinh, hồi nhỏ tôi thi thoảng uống. Có một đợt đâu đó chắc phải 7-8 năm tôi tự nhiên chạy qua rồi tạt vào, câu đầu tiên là: "Ơ thằng ni lâu rồi ko đến hầy, dạo ni béo ri mi."

Tôi nhớ đến khi mà tôi và ba tôi đến nhà chú Miên, người ngư dân đã kéo tôi vào bờ khi tôi suýt chết đuối ở Thanh Hóa, câu đầu tiên mà ba tôi nói với chú: "Tôi đến đây không phải để cám ơn, vì không lời cám ơn nào là đủ. Chú cứu con tôi là cứu cả nhà tôi. Tôi đến đây hôm nay là để con tôi có thêm một người chú, để tôi có thêm một người em trai, và là để gia đình ta kết mối thân tình." Tôi đứng bên cạnh mặt đần ra như thằng dở, kìm lắm để không khóc.

Tôi nhớ đến những cái bắt tay và sự nhiệt tình của những người họ hàng ở quê tôi đợt nhà tôi bốc mộ ông tôi về quê. Lớn nhỏ tôi hầu như ít về quê, cũng ko có mấy tình cảm gì với quê hương vì cả nhà ba tôi đã thoát ly từ lâu. Đợt bốc mộ đó là lần đầu tiên tôi thấy được tình quê.

Tôi nhớ đến việc mẹ tôi than với tôi, rằng nghỉ hưu rồi muốn đi du lịch đâu đó với ba tôi một thời gian mà chịu không đi được. Ba mẹ giờ phải chăm hai ông bà ngoại và bà nội tôi, đều đã hơn 80 cả. Nhà tôi neo người, hai anh em tôi chẳng đứa nào ở nhà. Mãi tuần trước ba mẹ tôi mới được đi chơi với nhau vì có bác tôi ở Cần Thơ ra chăm bà hộ. Nhìn cách mà ba mẹ tôi chăm sóc ông bà hai bên nội ngoại, tôi biết rằng khi đến lượt, tôi cũng sẽ ở cạnh và chăm sóc ba mẹ tôi như thế.

Tôi nhớ đến việc tôi đến chơi nhà bác bạn tôi ở Mỹ đợt giáng sinh năm ngoái. Bác mua lại một phần trang trại của ba mẹ bác. Nhà bác ở cách nhà ba mẹ bác vài chục bước chân. Ba bác mất hồi tháng 7 năm ngoái vì ung thư, mẹ bác bằng tuổi bà nội tôi, và cũng cần người chăm sóc hàng ngày như bà nội tôi. Bác bảo với tôi: "Tao qua nhà mẹ tao hàng ngày, lau dọn, nấu ăn và chăm sóc bà. Ở đây chả ai làm như tao, người già đều vào trại dưỡng lão hết. Tao không làm như thế được, tao không yên tâm. Người ta nghĩ tao có vấn đề."

Những mẩu chuyện nhỏ nhỏ như thế, còn rất nhiều.

Càng đi nhiều tôi càng thấy nhiều sự khác biệt về văn hóa, lối sống, đồng thời tôi cũng thấy con người phần cơ bản là giống nhau. Ở đâu thì người ta cũng có người tốt, xấu, tham, sân, si như nhau cả. Người Việt đúng là dân trí còn thấp, cuộc sống còn hơi lộn xộn nhưng Việt Nam cũng là mảnh đất của đầy cơ hội. Bạn bè nước ngoài của tôi đều lạc quan về đất nước của tôi.

Hôm trước, một anh bạn tôi hỏi:

- Thắng, bạn có muốn sống ở Việt Nam không?

- Tớ không biết. Cuộc đời tớ còn dài. Có điều tớ muốn chết ở Việt Nam.

Bùi Vĩnh Thắng

(Gửi từ Ireland)

TIN LIÊN QUAN