(Baonghean) -Vừa bước lên cầu thang, tôi bỗng nghe tiếng trẻ cười giòn tan, Trong căn phòng cửa mở rộng, bé nằm trên chiếc giường kê thấp, bố mẹ không ngớt cù vào bụng khiến bé cứ lăn bên này qua bên kia khoái chí. Tôi đã có thể đứng ngắm nhìn gia đình hạnh phúc ấy rất lâu nhờ họ không thể… nhìn thấy tôi!
Ghé vào vệ đường hỏi thăm bác xe ôm về “trụ sở” tẩm quất của chàng trai mù Mai Văn Quyết, bác chỉ đường rành rọt và còn cho tôi biết thêm rằng chàng trai ấy đã có vợ và cậu con trai kháu khỉnh. Qua giọng nói lộ vẻ hân hoan của bác xe ôm, tôi biết Quyết được mọi người quý mến. Chàng trai ấy đã và đang sống bằng cả một trái tim đầy nhiệt huyết, một nghị lực phi thường. Chuyện tình yêu của đôi trẻ mù lòa cũng khiến không ít người rưng rưng.
Gia đình anh Quyết.
Cất tiếng khóc chào đời ở vùng đất biển Nghi Thủy (Cửa Lò), Quyết là con trai duy nhất trong gia đình có bốn chị em. Lúc sinh ra, ánh sáng qua đôi mắt cậu bé chỉ là sự mờ ảo bởi di chứng từ người bố từng xả thân nơi chiến trường bị nhiễm chất độc da cam. Rồi chút sáng cuối cùng ấy cũng tắt hẳn khi Quyết lên 10 tuổi. Câm lặng với nỗi đau, bố mẹ Quyết biến thành sức mạnh và tình yêu thương con gấp bội: “Mình biết bố mẹ thương yêu mình nhiều lắm. Mình muốn đáp lại tình cảm của bố mẹ nên phải cố gắng thật nhiều để không làm bố mẹ buồn thêm”, Quyết bồi hồi nhớ lại.
Những ngày đầu đến lớp, sự nỗ lực hết mình đã giúp Quyết giành kết quả học tốt. Hết lớp 3, khi đôi mắt không còn khả năng nhìn nữa thì Quyết phải chuyển đến học tại Trường Khuyết tật Nghệ An, sau đó lại trở về nhà học tiếp tại Trường THCS Nghi Thủy. Hoà nhập trong môi trường bạn bè là những người bình thường buộc Quyết phải cố gắng hơn rất nhiều lần để có thể theo kịp chương trình học. Quyết kể: “Với bạn bè học cũng đã vất vả, mình còn nhọc nhằn gấp bội, không thể từ bỏ. Lúc đó, mình chỉ nghĩ rằng phải làm được như những người bình thường”. Suy nghĩ ấy, cùng với sự giúp đỡ, sẻ chia của bạn bè, thầy cô đã giúp Quyết vượt qua những ngày tháng học tập đầy khó khăn.
Đầu năm 2007, vừa ở tuổi 20, Mai Văn Quyết được sự hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh Nghệ An đã lên đường ra Hà Nội học nghề. Lần đầu xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, chàng trai trẻ càng hiểu thêm tình yêu thương đó lớn lao biết nhường nào. Và Quyết coi đó là động lực để học tập và vượt qua những ngày tháng gian khó nơi đất khách quê người. Đôi mắt không còn, nhưng đôi tay của Quyết thì như có thứ ánh sáng thần kỳ, có thể nhận biết từng vị trí huyệt đạo trên cơ thể con người một cách chính xác. Một kế hoạch cho tương lai được nhen nhóm...
Trở về quê hương với những kiến thức và kinh nghiệm quý giá, vượt qua những khó khăn ban đầu, Quyết cùng một người bạn mù mở một cơ sở tẩm quất tại phường Lê Lợi (Thành phố Vinh). Khi ấy, người ta còn xa lạ với “nghề mù tẩm quất” nên sự khởi đầu đó đã vấp phải thách thức rất lớn. Đã có lúc, anh cảm thấy chán nản, thậm chí tuyệt vọng. Nhưng ước ao làm người có ích cho cuộc sống luôn thường trực đã giúp anh kiên định theo đuổi công việc, những dự định. Bằng tâm huyết và năng lực của bản thân, cơ sở của Quyết đã “kéo” khách hàng đến mỗi lúc một đông. Quyết đã không giấu nổi nước mắt khi nhớ lại cảm giác lần đầu tiên nhận được những đồng tiền từ công sức mình bỏ ra.
Đầu năm 2011, Quyết bắt tay vào xây dựng cơ sở tẩm quất mới của mình tại Thị xã Cửa Lò từ vốn dành dụm được cùng số tiền vay thêm từ người thân và quỹ tín dụng phường. Lại phải căng mình để chống chọi với những khó khăn, luôn tự nhủ phải vượt qua tất cả, dần dần Quyết đã khẳng định “thương hiệu” của mình. Nay Quyết đã làm chủ một cơ sở có 6 nhân viên, cũng là những người bạn cùng cảnh ngộ quê ở Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành…Mỗi ngày “ông chủ nhỏ” Mai Văn Quyết đón hơn 30 lượt khách tìm đến thư giãn dưới “ánh sáng” của những bàn tay xoa bóp huyệt đạo điêu luyện. Cơ sở tẩm quất của Quyết đã có thể phục vụ tận nơi theo yêu cầu của khách…
Vợ chồng Quyết ngồi tiếp chuyện tôi tại phòng khách tầng hai của một khách sạn trên đường Bình Minh. Đây là địa điểm kinh doanh của gia đình anh mới thuê. Ngoài gian phòng lớn dành cho khách, cơ sở của vợ chồng Quyết còn có mấy phòng nhỏ làm mái ấm cho gia đình anh và nhân viên. Khi tôi hỏi chuyện tình yêu, Quyết chỉ tủm tỉm cười và “đùn đẩy” sang cho vợ. Chị Hoàng Thị Nhung là người bạn đã cùng anh vượt những khó khăn từ ngày chân ướt chân ráo về khởi nghiệp tại Cửa Lò. Người con gái quê ở xã Nghi Hương cũng là người bị khiếm khuyết ở đôi mắt. Chị kể, ngày anh Quyết mới về làm ở Cửa Lò khoảng một tháng thì chị đến xin anh làm cùng. Lúc đó, chưa biết tẩm quất bài bản, chị giúp anh Quyết đi chợ, nấu ăn dù mắt chỉ nhìn thấy mọi thứ mờ ảo. Thời gian bên nhau của đôi trẻ mù lòa, đó là những khi Nhung nấu từng bữa ăn, giặt giũ từng chiếc áo quần cho Quyết; khi Quyết tỉ mỉ, ân cần truyền dạy từng động tác khi Nhung học nghề tẩm quất. Ngoài tình yêu thương của mẹ là người phụ nữ duy nhất luôn bên cạnh chăm sóc cho mình, hơi ấm Nhung mang đến làm trái tim chàng trai trẻ mù lòa thổn thức. Những khi rảnh rỗi, hai người ngồi tâm sự những nỗi niềm buồn vui, cất cánh cho những ước mơ bay bổng... Hai tâm hồn khao khát sống chưa từng dám ước mơ về một tình yêu, về một gia đình ấy đã dần xích lại bên nhau. Họ yêu nhau, và cũng muốn có một mái ấm hạnh phúc, những tiếng cười trẻ thơ. Trong thẳm sâu hai trái tim ấy mong ước mình có những đứa con khỏe mạnh như bao người bình thường khác.
Sóng gió cũng tìm đến khi Quyết và Nhung xin phép bố mẹ xây dựng cuộc sống hôn nhân. Hai gia đình nhất quyết phản đối. Họ lo lắng cho hai đứa con mù lòa. Tương lai sẽ ra sao? Càng thương, càng xót, những người làm bố làm mẹ càng quyết tâm ngăn cản. Chị Nhung bồi hồi chia sẻ: “Bọn em biết trước điều đó, nên kiên trì thuyết phục gia đình; vừa tâm niệm mình thương yêu nhau thật sự và đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn. Anh Quyết cần đôi mắt thì em vẫn còn nhìn thấy dù không rõ, em cần anh Quyết vì tay nghề của anh Quyết có thể nuôi sống và đảm bảo cho cuộc sống của bọn em”. Vững tin vào lý lẽ của trái tim, Quyết và Nhung càng gắn bó hơn cho đến khi tình yêu của đôi trẻ đã thuyết phục được tất cả. Đám cưới của họ được tổ chức một ngày đầu năm 2012. Tình yêu ấy đã đơm hoa kết trái khi chị Nhung sinh một bé trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn đã hơn bảy tháng tuổi. Nhìn nụ cười rạng ngời của đôi vợ chồng trẻ bên nhau, cùng cậu con trai ngoan ngoãn, ai từng đến với gia đình anh Quyết cũng vui lây và thầm mong cho nhiều điều may mắn đến với mái ấm nhỏ ấy.