(Baonghean) - Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện một tin đồn thất thiệt nhưng được trình bày với một hình thức không thể thuyết phục hơn: Clip quay cảnh một người đang bóc những quả xoài mút - một đặc sản của vùng Nam bộ - với lời bình luận đơm đặt rằng, đây là xoài nhân tạo có nguồn gốc từ Trung Quốc, bên trong hạt có lớp màng ni-lông. Clip này được lan truyền nhanh chóng bằng các nút like, share và những bình luận trên mạng xã hội, kéo theo sự gia tăng nỗi sợ hãi trong cộng đồng vì thực phẩm không an toàn có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Và đương nhiên, những người chịu thiệt hại nhất chính là các nông dân trồng giống xoài này, khi nông sản của họ không thể bán được do lời đồn ác ý.

Ảnh minh họa: Internet

Đây không phải là lần đầu tiên cư dân mạng ấn nút like (thích) và nút share (chia sẻ) những tin đồn bịa đặt trên mạng xã hội với số lượng lớn. Trước đây, tình trạng này cũng đã từng diễn ra nhiều lần với những tin đồn về dịch Ebola đã đến Việt Nam, về hiện tượng bắt cóc trẻ em, về việc ăn bưởi gây ung thư, về màng bọc quả xoài xuất xứ từ Đài Loan có chất, độc về sầu riêng tẩm hóa chất độc hại và gần đây là tin đồn về những người bị chết hoặc đi cấp cứu vì ăn phải cá biển sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung… 

Những tin đồn đó hầu hết đều gây nên sự sợ hãi, hoang mang trong cộng đồng, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng cho những người liên quan và cho cả xã hội khi gây ra tình trạng khủng hoảng về tâm lý và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến kinh tế, đến an ninh trật tự xã hội. Đã nhiều lần, người nông dân trồng bưởi, trồng xoài, nuôi cá... bị thua lỗ, lao đao vì những tin đồn nhảm như thế.

Theo cách định nghĩa của bộ môn Xã hội học, thì tin đồn là dạng thông tin bịa đặt, không có thật hoặc có một phần rất ít sự thật, tin đồn xuất hiện và lan tỏa bằng hình thức truyền miệng trong cộng đồng do sự khủng hoảng về thông tin (quá thừa hoặc quá thiếu thông tin). Ngày nay, tin đồn có thêm một kênh lan truyền nữa ngoài kênh truyền miệng, đó là mạng xã hội. Kênh mạng xã hội có tốc độ lan truyền tin đồn nhanh hơn gấp nhiều lần và gây tác hại cũng lớn hơn rất nhiều lần so với kênh truyền miệng. 

Người dân Việt Nam được tiếp cận sớm và dễ dàng với mạng xã hội nên tốc độ phát triển mạng xã hội ở nước ta rất nhanh, tạo thành một cộng đồng gọi là "cư dân mạng" đông đảo (theo một nghiên cứu, có khoảng 40 triệu tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam, sử dụng hàng trăm trang mạng xã hội khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là những trang mạng như Facebook, You Tube, Zing me, Google+, Webtretho, Lamchame, Vatgia...).

Tuy nhiên, kỹ năng sử dụng mạng xã hội của "cư dân mạng" Việt Nam lại chưa theo kịp với tốc độ phát triển và mở rộng của ứng dụng công nghệ này, dẫn đến những chuyện bi hài lẫn các hậu quả khôn lường cho xã hội. Điều này là bởi trình độ nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dùng mạng xã hội đối với chính mình, đối với cộng đồng còn chưa cao, dẫn đến sự thiếu suy xét, nhận định, phân biệt đúng sai trước các loại thông tin mà họ like, share và bình luận. Miễn rằng tin đồn đó về những vấn đề họ đang quan tâm, đang bức xúc hay là vấn đề thời sự, thì họ cứ vô tư like và share mà không cần nghĩ đến hậu quả.

Họ không phân biệt được đâu là tin đồn nhảm không phải sự thật, còn đâu mới là sự thật, chính vì vậy, họ dễ dàng bị cuốn theo và góp phần tạo ra những làn sóng tin đồn trên mạng xã hội, gây ra những hậu quả tai hại.

Ảnh minh họa: Internet

Cũng chính vì việc sử dụng mạng xã hội của cư dân mạng Việt Nam còn chưa có sự chín chắn, nên họ dễ bị những đối tượng xấu tung tin đồn và lôi kéo vào để chia sẻ những thông tin giật gân, với mục đích câu like, câu view, để triệt hạ đối thủ, thậm chí, để chống phá chính quyền, chống phá Đảng. 

Nhiều người nghĩ rằng, một nút like, một nút share, một bình luận ác ý của họ dưới những tin đồn sẽ không tạo ra ảnh hưởng gì, nhưng thực chất, nó có thể làm thay đổi sự thật, tạo những áp lực dư luận không cần thiết lên chính quyền các cấp và sau đó, là những hệ quả khôn lường khác. Những năm gần đây, việc các cơ quan chức năng, cơ quan chính quyền các cấp phải vất vả đối phó với các khủng hoảng truyền thông từ tin đồn xuất phát từ mạng xã hội là việc gần như đã trở thành quen thuộc. 

Mạng xã hội là một sản phẩm của sự phát triển khoa học công nghệ, bản thân nó không có lỗi gì, lỗi ở nhận thức và ý thức của người sử dụng. Nếu phần lớn cư dân mạng sử dụng các tài khoản mạng xã hội của mình một cách có trách nhiệm, có hiểu biết, có cân nhắc và suy nghĩ, thì chắc chắn rằng sẽ tạo ra một môi trường mạng văn minh và hữu ích. Còn ngược lại, nó sẽ gây ra những hậu quả mà chính bản thân họ cũng khó có thể hình dung. Nút "like" và nút "share" không hề vô can như họ nghĩ!

Bảo Ngân

TIN LIÊN QUAN