Trang trại lợn mán của anh Phạm Văn An nằm dưới tán cây cao su năm thứ 5 tỏa bóng .400 gốc cao su được anh An cắt tỉa để không phát triển chiều cao, chỉ phát triển tán tạo bóng mát cho đàn lợn.
Anh An cho biết, gia đình chăn nuôi lợn nhiều năm qua, tuy nhiên giá lợn bấp bênh nên thu nhập không ổn định. Nhận thấy thị trường ưa dùng loại "lợn sạch", anh đã chuyển hướng sang nuôi lợn mán, lợn rừng.
Anh bàn vợ phá bỏ 5 sào mía trong vườn để trồng cây cao su vì đặc tính của loại lợn này là vận động nhiều và cần bóng mát, còn nếu như nuôi nhốt chất lượng thịt không ngon.
Trồng cao su được 2 năm khi cây bắt đầu có tán, anh An đầu tư nuôi giống lợn mán. Theo anh, sở dĩ chọn cây cao su làm bóng mát vì tán rộng, ngoài ra quả của cây cao su lợn mán rất thích ăn và bổ dưỡng vì có chất dầu.
Đến mùa cao su rụng quả, lợn chủ yếu ăn quả cao su và cỏ. Những thời điểm khác trong năm, anh bổ sung thêm ngô, khoai… vào thức ăn cho lợn. Vì vậy chi phí nuôi thấp, công chăm sóc ít nên vợ chồng anh vẫn có thời gian làm thêm những công việc khác.
Mỗi năm gia đình anh An nuôi từ 80 - 100 con lợn mán; trung bình mỗi con nặng từ 15 - 30kg. Với giá bán hiện tại là 120.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Nuôi lợn mán dưới tán cao su là mô hình đầu tiên ở Nghĩa Đàn; dùng quả cao su để nuôi lợn như anh An cũng “có một không hai” ở huyện. Ông Lục Văn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Trung cho biết: Mô hình này có những sáng tạo để làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Hội đã tổ chức cho các chi hội tham quan, tùy vào tình hình thực tế của các gia đình để có thể nhân rộng./.