(Baonghean.vn) - Dự án “Nuôi gà Hoa Lưu Phượng thả vườn an toàn sinh học” tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn đang bước đầu mang lại hiệu quả cao.

 Dự án do Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn phối hợp với Ngân hàng đầu tư phát triển BIDV, chi nhánh Nghệ An triển khai nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Ông Lương Tấn Đồng (phải) đang chăm sóc đàn gà gần 200 con của gia đình.

Tháng 5/ 2016, Trạm khuyến nông huyện Kỳ Sơn, đã cung cấp 1.000 con gà giống cho 5 hộ nghèo tại bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm với tổng kinh phí trên 180 triệu đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ 200 con gà 20 ngày tuổi, 900 kg cám thực phẩm và được hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại theo chuẩn quy định. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ các loại thuốc phòng trừ dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vacxin, bảo đảm thức ăn đủ chất đạm, khoáng và vitamin…

Nhờ thực hiện đúng quy trình chăn thả, sau hơn 3 tháng nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con gà đạt từ 1,5 – 1,8 kg. Với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Ước tính người nuôi thu lãi khoảng hơn 20 triệu đồng/lứa 200 con.

Gia đình ông Lương Tấn Đồng, một trong 5 hộ nghèo được hưởng lợi từ mô hình cho biết,  sau khi Trạm khuyến nông hỗ trợ 200 con gà giống. Ông Đồng vay mượn đầu tư 5,5 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 30 m2, mua lưới về bao xung quanh khu vườn có diện tích 5.000 m2 nhằm kết hợp nuôi khoanh vùng và chăn thả trong vườn.

Để giảm thiểu mùi hôi, phòng chống các bệnh về hô hấp trên đàn gà, ông Đồng sử dụng vôi bột về rải sát trùng toàn bộ chuồng trại. Nuôi được hơn 3 tháng, đàn gà phát triển nhanh, bình quân mỗi con nặng từ 1,5 đến 1,8 kg. Ông Đồng chọn bán 30 con với giá 100.000 đồng/kg. Ông cho hay: “Với phương thức kết hợp nuôi theo kiểu công nghiệp vừa kết hợp thả vườn, đàn gà phát triển rất nhanh.Từ việc bán gà, sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh… ông Đồng thu lãi hơn 11 triệu đồng".

Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn đang hướng dẫn người dân cách sử dụng các loại thuốc phòng trừ dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vacxin, bảo đảm thức ăn đủ chất đạm, khoáng và vitamin…

Chị Vi Thị Hạnh, bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm cho biết, được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ 200 con gà giống hoa lưu phượng, chị đã sửa sang lại chuồng. Chị còn mua ngô, lúa của bà con trong bản cho gà ăn bổ sung. Đến nay, đàn gà của Chị phát triển tốt, đang trong quá trình vỗ béo, mỗi con nặng 1,3 đến 1,5 kg và đang chờ xuất bán.

Chị Hạnh cho biết: “Định kỳ hàng tuần, cán bộ trạm khuyến nông huyện xuống kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng nên tỷ lệ hao hụt không đáng kể, so với phương thức nuôi truyền thống của đồng bào trước đây thì nuôi gà theo đúng kỹ thuật như thế này thì gà lớn nhanh hơn, ít dịch bệnh. Sau lứa gà này, tôi sẽ mua thêm con giống để tăng đàn, tăng thu nhập cho gia đình”.

200 con gà của chị Vi Thị Hạnh, đang phát triển và sinh trưởng đồng đều.

Theo 5 hộ chăn nuôi gà theo mô hình an toàn sinh học tại bản Na Lượng cho biết, nuôi theo truyền thống gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà chậm lớn. Nhưng khi thực hiện mô hình bán công nghiệp vào chăm sóc tình trạng này được cải thiện đáng kể.

Ông Lô Mạnh Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết, 5 hộ tham gia mô hình nuôi gà hoa lưu phượng thả vườn ở bản Na Lượng là những hộ nghèo của xã, đây cũng là các gia đình có nhiều điều kiện đáp ứng các tiêu chí như: có diện tích vườn, chuồng trại rộng, đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh học, bảo đảm không gây ô nhiễm trong khu dân cư. Ngoài ra, trước khi nuôi, các hộ còn được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gia cầm nói chung và trên đàn gà nói riêng. Mô hình này phù hợp với những hộ gia đình ít vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, giúp các hộ nghèo trong xã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN