(Baonghean) - Có mặt tại sân vận động xã Nghĩa Phúc vào chiều 24/4, lúc này bà con đang tập trung chờ được nhận dê về nuôi. Bà Lưu Thị Đông, xóm 3, phấn khởi: Cách đây mấy năm, gia đình đầu tư 10 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 4 con dê về nuôi. Vừa qua, xóm, xã bình chọn bà là một trong những gia đình được nhận dê từ chương trình chăn nuôi dê sinh sản của Nhà nước.

Ông Đặng Trọng Ninh, xóm Tân Hoa, hồ hởi: Gia đình đã có hơn 10 năm chăn nuôi dê hàng hóa, có kinh nghiệm chăn nuôi dê sinh sản. Lúc cao điểm có tới 80 con dê, nhờ có chăn nuôi dê mà gia đình ổn định cuộc sống. Được nhận 5 con dê sinh sản này, tạo thêm động lực cho gia đình phát triển nghề chăn nuôi dê đàn để phát triển kinh tế. 

l Người dân xã Nghĩa Phúc nhận dê sinh sản của chương trình về nuôi.
Người dân xã Nghĩa Phúc nhận dê sinh sản của chương trình về nuôi.

Ông Ngô Vĩnh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm giống chăn nuôi tỉnh, cho biết: Đây là chương trình chăn nuôi dê sinh sản, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện tại Nghệ An. Chương trình hỗ trợ 100% giá dê cho bà con. Mỗi con dê sinh sản có trọng lượng từ 15 - 18 kg, mua từ Nghĩa Đàn về, sức khỏe tốt, được tiêm phòng bệnh trước khi cung ứng cho bà con. Sau khi xem xét về điều kiện tự nhiên, Trung tâm Giống chăn nuôi tỉnh thực hiện tại 2 xã của huyện Tân Kỳ là Nghĩa Phúc và Hương Sơn.

Những gia đình được diện nhận dê là có điều kiện chăn nuôi, và có cam kết chăn nuôi dê lâu dài, mục đích là tạo điều kiện cho địa phương phát triển đàn dê. Đối với xã Nghĩa Phúc được chương trình hỗ trợ cho 9 gia đình với 46 con dê, mỗi hộ được nhận 5 con dê sinh sản. Còn tại xã Hương Sơn, chương trình hỗ trợ 31 con dê, cho 6 hộ nuôi. Tổng số dê hỗ trợ cho Tân Kỳ đợt này là 77 con, trị giá gần 300 triệu đồng. Trong số những hộ được nhận dê về nuôi, chương trình ưu tiên cho những hộ nuôi mới, nhưng phải có điều kiện về nhân lực cũng như chuồng trại, với mục đích là lấy chăn nuôi dê làm mũi nhọn phát triển kinh tế gia đình.

Ông Đặng Xuân Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc, cho biết: Là địa phương thuộc diện khó khăn, được hưởng Chương trình 135/CP, địa hình nhiều đồi núi rộng là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chăn nuôi dê. Những năm qua, dê thịt được giá, dễ bán, nhiều hộ dân ở Nghĩa Phúc đã đầu tư chuồng trại để chăn nuôi dê đàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, số trang trại chăn nuôi dê với số lượng lớn là rất ít, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ từ 10 - 30 con, do vậy tổng đàn dê của địa phương chỉ có gần 700 con. Từ chương trình hỗ trợ dê sinh sản, là điều kiện thuận lợi cho các gia đình phát triển nghề nuôi dê...

Xuân Hoàng