(Baonghean) - Tận dụng nguồn nước dồi dào từ các hồ đập, khe suối và các vùng bàu trũng, nhiều người dân ở huyện Thanh Chương phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Chương có 7 hồ đập lớn và hơn 200 hồ đập lớn nhỏ. Đây là một lợi thế đang được bà con nơi đây tận dụng để phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt. Về Thanh Tùng, vùng đập Cây Vải, Cồn Sông và Lừa Chứa được biết đến là những điểm nuôi cá lớn của xã. Anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Tân Phượng khoanh nuôi với diện tích 4 ha trên vùng đập Lừa Chứa, cho biết: “Trước đây, mọi người nuôi cá chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu của gia đình, có chăng cũng chỉ bán với số lượng ít, bởi không đầu tư chăm sóc. Tuy nhiên, khi nhận thấy nhu cầu của thị trường khá lớn mà điều kiện ở đây lại thuận lợi để nuôi nhiều loại cá nên bà con đầu tư nuôi thả. Ngoài thức ăn công nghiệp, chúng tôi còn tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có như bột cám, bã sắn, rau cỏ nên giảm chi phí, cá lại lớn rất nhanh. Trong vài tháng tới, dự kiến gia đình sẽ thu hoạch được sản lượng khoảng từ 6 đến 7 tạ cá”.
Việc nắm vững đặc điểm của từng loại cá cũng như các kỹ thuật cơ bản trong việc cải tạo diện tích nuôi, cách chăm sóc và trị bệnh cho cá là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế từ các mô hình này. Với diện tích nuôi hơn 3,5 ha trên vùng đập Cây Vải, anh Nguyễn Văn Tường chia sẻ: “Cá trắm cỏ, rô phi, chép, mè… là các đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh. Nguồn thức ăn được tận dụng từ những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở gia đình như mối, giun, lá sắn, cỏ, cám gạo nên cá phát triển nhanh và cho thịt khá ngon. Ước tính mỗi năm trên diện tích nuôi của gia đình cho lãi gần 30 triệu đồng”. Đánh giá về hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá vùng hồ đập trên địa bàn, ông Nguyễn Lâm Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng cho biết thêm: “Bên cạnh lợi thế về cây chè, bà con ở đây còn tận dụng diện tích hồ đập, các khe, suối để phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt. Trong năm qua, có hơn 11 xóm nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 42 ha. Đây là một trong những hướng đi giúp ổn định kinh tế cho bà con vùng đồi núi”.
Tại xã Thanh Hưng, bà con nông dân lại phát triển hình thức nuôi cá lúa với diện tích trên dưới 20 ha. Tận dụng các diện tích bàu nước, vùng trũng, người dân ở đây thường canh tác xen kẽ, tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Anh Phan Đình Hy (xóm 2) - một hộ dân nuôi cá lúa ở Bàu Trau cho biết: “Nuôi cá ruộng lúa có nhiều điểm lợi, bởi cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại; đồng thời, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá”.
Không chỉ dừng lại ở phương thức cá + lúa đơn thuần, anh Trần Trọng Thắng ở xóm 5, Thanh Hưng còn kết hợp với chăn thả vịt cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm. Anh cho biết: “Tận dụng diện tích trồng lúa vùng trũng tại Bàu Côi, gia đình áp dụng mô hình cá - lúa - vịt cho hiệu quả kinh tế khá ổn định. Điều quan trọng là cần nắm chắc kỹ thuật để có quy trình nuôi thả phù hợp. Sau 1 tháng đầu, khi lúa bắt đầu trổ bông, lúc đó bộ rễ phát triển chắc chắn thì mới được thả vịt vào ruộng. Thời kỳ lúa trổ bông, chỉ chăn thả vịt ở phần ao đìa và mương bao quanh ruộng. Đến lúc thu hoạch mới thả vịt vào ruộng tận dụng thóc rơi vãi và các mồi khác. Còn đối với cá thì sau khi thu hoạch lúa cần tiếp tục nuôi trong một thời gian ngắn khoảng từ 2 đến 3 tuần mới tiến hành kéo lưới”.
Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng chia sẻ: “Theo tính toán, trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2,5 lần so với trồng lúa độc canh. Còn đối với các hộ tiến hành theo phương thức cá - lúa kết hợp với chăn thả vịt thì hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hằng năm, bà con trong xã chủ yếu triển khai nuôi cá vụ đông để tránh thời kỳ nắng nóng và có nguồn cung cho thị trường thời điểm trước Tết”.
Thanh Quỳnh