(Baonghean) - Mô hình ương nuôi, sản xuất cá giống của gia đình anh Trần Văn Minh thuộc Hợp tác xã (HTX) giống thủy sản Đô Lương tại xóm 5, xã Thịnh Sơn (Đô Lương) đang khẳng định rõ nét về hiệu quả kinh tế cũng như sức lan tỏa rộng lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản gần 30 năm, anh Trần Văn Minh  xóm 5, xã Thịnh Sơn đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc chăm sóc, ương nuôi cá giống nước ngọt. Năm 2014, thực hiện chủ trương của tỉnh,  xã Thịnh Sơn triển khai việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, anh Minh đã bàn với gia đình nhận thầu hơn 4 ha khu đất xã thu hồi từ các lò gạch, cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh giống thủy sản quy mô lớn. Với đồng vốn tích lũy và vay mượn được hơn 800 triệu đồng, năm 2014, anh Minh quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng cho cơ sở kinh doanh của mình; thuê nhân công san lấp mặt bằng, quy hoạch đường giao thông, đầu tư 300m đường giao thông trục chính mở rộng, xây kè hai bên đường nối từ Trường Mầm non Thịnh Sơn vào đến cơ sở sản xuất.

Cùng với đó, anh bố trí hệ thống ao hồ, mương cấp thoát nước, nhà ở cho công nhân. Đến nay, sau hơn 1 năm rưỡi đầu tư xây dựng, cơ ngơi sản xuất của anh cơ bản được khép kín với 2 trại sản xuất chuyên ương nuôi cá chép, các loại cá giống truyền thống và một số con giống đặc sản như trắm đen, rô phi, cá lóc, các lăng, ếch. Năm 2014, anh xuất bán 145 tấn cá giống các loại, 20 tấn con giống đặc sản, thu về lãi ròng trên 1 tỷ đồng,  tạo việc làm cho 5 lao động nông thôn với mức lương 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình HTX giống thủy sản trên đất chuyển đổi của ông Trần Văn Minh ở xóm 5, xã Thịnh Sơn (Đô Lương).
Mô hình HTX giống thủy sản trên đất chuyển đổi của ông Trần Văn Minh ở xóm 5, xã Thịnh Sơn (Đô Lương).

Trong điều kiện con giống thủy sản trên thị trường ngày càng da dạng, sẵn sàng đến tận nơi phục vụ nhu cầu khách hàng, anh cùng gia đình đã có cách làm riêng để tạo thị trường và uy tín trong kinh doanh. Để đảm bảo kinh doanh tốt,  điều đầu tiên phải lựa chọn được nguồn con giống khỏe mạnh, có phẩm chất tốt. Anh đã chủ động mua giống từ Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An (Diễn Châu) về quản lý, chăm sóc trong môi trường nước sạch, chế độ, mật độ nuôi, lượng thức ăn đảm bảo, ao nuôi phải được kiểm tra, xử lý định kỳ. Nhờ đó, con giống của anh đã được khẳng định trong các chương trình, dự án của Nhà nước, hỗ trợ cho nông dân các huyện miền núi Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong, Thanh Chương, Đô Lương, Tương Dương  và các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa. 

Hiện nay, cơ sở sản xuất giống của anh Minh đang vào vụ nuôi với sản lượng trên 2 tấn cá chép ông (cá vàng) phục vụ nhu cầu thị trường, đồng thời, cải tạo thêm ao nuôi các giống cá qua đông, phục vụ nguồn giống cá cho sản xuất vụ xuân. Anh Trần Văn Hiền, cán bộ quản lý HTX giống thủy sản Đô Lương, cho biết: Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thêm 2 cơ sở kinh doanh cá giống tại Thạch Hà (Hà Tĩnh) và Bắc Sơn (Đô Lương), mở rộng đầu tư hệ thống bể nuôi lươn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò hàng hóa để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. 

Đánh giá về cơ sở sản xuất cá giống của anh Minh, ông Tạ Quang Sáng, Trưởng phòng kỹ thuật giống, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An, cho biết: Mô hình sản xuất, kinh doanh giống thủy sản của anh Trần Văn Minh, xóm 5, xã Thịnh Sơn hiện đang dẫn đầu tỉnh về sản lượng sản xuất cá giống nước ngọt. Thị trường cá giống của HTX này đang ổn định và có uy tín. Chi cục đang khuyến khích tổ hợp tác sản xuất cá giống, đặc biệt tạo được đàn cá chất lượng như rô phi, trắm đỏ, cá chép… để đưa vào sản xuất.

Bài, ảnh: Lương Mai