(Baonghean) - Những năm gần đây Phong trào nuôi cá nước ngọt và nước lợ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, với nhiều giống cá mới chất lượng cao như cá vược, cá bống bớp, cá rô đầu vuông, diêu hồng, lăng chấm… Tuy nhiên, đầu ra cho các loại cá này đang gặp nhiều khó khăn khiến hộ nuôi lo lắng...

Đầu buổi sáng hàng ngày đối với ông Lưu Văn Bản và những hộ nuôi cá vược ở thôn Trung Hậu xã Diễn Vạn (Diễn Châu) là công việc cắt nhỏ cá biển tươi cho cá vược ăn. Cá vược là loài thủy sản nước lợ có giá trị cao, thức ăn của chúng là cá biển tươi nên những người nuôi hết sức vất vả. Nuôi 3.000 con cá vược,  mỗi con đã nặng khoảng 5 lạng, ông Bản cho biết, mỗi ngày chúng ăn hết khoảng 40kg cá biển, giá khoảng 400.000 đồng.  Cá nục, cá thèn, cá trích tươi mua về, ông dùng kéo cắt nhỏ để cho chúng ăn, một ngày 2 lần ăn sáng và chiều. “Chỉ còn hai tháng nữa là thu hoạch, sản lượng ước đạt gần 2 tấn. Nếu như năm ngoái sẽ lãi được khoảng vài chục triệu. Chỉ lo là năm nay chưa biết bán ở đâu” - ông Bản lo lắng. Ông càng lo lắng hơn khi có  2 con cá tự nhiên chết nổi lên, ông xót xa đi chôn nó, “vậy là mất đứt 200 ngàn đồng”.

Ông Lưu Văn Bản xã Diễn Vạn (Diễn Châu) đang cho cá vược ăn.

Theo ông Bản, việc nuôi cá vược là do năm ngoái được Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đầu tư con giống cho 6 hộ ở đây, tổng nguồn giống khoảng 100 triệu đồng, các hộ nuôi thử thấy có hiệu quả, năm nay 20 hộ ở thôn Trung Hậu tự mua giống cá ở Quỳnh Liên - Hoàng Mai về nuôi.  Vừa nuôi vừa lo bởi đây là đối tượng nuôi mới, kỹ thuật cũng mới, nguồn nước phụ thuộc vào kênh Lạch Vạn. Nhiều hộ không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi cá bởi sợ cá bị dịch hoặc rớt giá thua lỗ, không trả được nợ. Ông Lưu Văn Viện - một hộ nuôi cá vược ở thôn Trung Hậu cho biết: Trước nuôi tôm mặc dù có năm lỗ lớn nhưng còn có người đến tận đầm mua. Còn nay cá đã lớn đến 8 lạng/con mà chưa có ai đến mua cho. Nhà tôi chỉ nuôi 1000 con,  nếu phải đi chợ bán mỗi hôm 3 cân, 5 cân thì vất vả lắm.

Ông Vũ Dũng, Hoàng Truyền, Lưu Phước (cùng thôn) cũng lo lắng: Cả thôn có khoảng 20 hộ nuôi,  sản lượng cá sẽ đạt khoảng gần 3 tấn. Đây là loài cá  có giá cao, hiện đang bán với giá 100 .000 đồng/kg. Hiện nay cũng chưa ai liên hệ được với nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chỉ bán được ở chợ Diễn Vạn, Diễn Bích…

Còn ở xóm 3 - Hưng Chính (Thành phố Vinh), gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh cũng  khiếp khi nhớ đến hai vụ nuôi cá đặc sản. Gia đình anh có 6 ao thuê đất của xã để lập trang trại nuôi lợn và cá các loại. Sản lượng cá dưới ao của anh thường xuyên có khoảng chục tấn cá gồm chép, mè, trôi, gáy… Năm 2012, anh dành một ao nuôi cá vược. Nhưng thương lái đến mua mỗi lần chỉ  chục kg, vì khó bán nên bán mãi mới hết. Trong khi đó một lần kéo lưới phải kéo cho được vài ba tạ mới đủ trả công kéo lưới (200.000 đồng/nhát lưới).

Cá ngày một lớn, thức ăn ngày một tốn. Mùa mưa bão cá biển lại đắt đỏ.  Anh lại nhớ đến năm 2009 nuôi cá lóc đen. Đây là giống mới, anh phải đặt mua từ trong miền Nam ra và đi bằng đường hàng không. Cá lóc đen cũng ăn thức ăn là  cá biển, ngày nào anh cũng phải đầu tư cả triệu đồng cho cá. Đến khi cá lớn 1kg/con vẫn chưa tìm được khách mua, thương lái mua mỗi ngày chỉ  vài chục con để bán lẻ, trong khi cá  ở ao đã tới 5 tấn. Rồi cá tràu lớn 1,5kg/con, càng khó bán, anh đành để cá qua đông. Mùa đông cá bị bệnh, chết nổi đầy ao. Anh đành vớt cá trong nước mắt rồi ướp muối trong thùng phi cho lợn ăn. Bao công sức, tiền vốn tiêu tán hết.  “Năm nay tôi không  nuôi cá vược nữa vì khó bán, nhưng vẫn tiếc vì nếu có đầu ra thuận lợi thì đây là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”- anh Hạnh cho biết.

Còn anh Dương Xuân Thuấn - HTX Phong Phú - Hưng Hòa (TP. Vinh) nuôi cá lăng chấm, một loài cá da trơn có giá trị kinh tế cao, anh đã bán được với giá 200.000 đồng/kg, nhưng cũng do kén người mua nên anh Thuấn đang dừng không nuôi nữa. Khi nuôi cá lăng, anh Thuấn phải thay nước thường xuyên, đảm bảo ao nuôi sạch sẽ, nuôi ghép cùng cá mè trắng để làm sạch môi trường. Giờ đây, anh trở lại nuôi cá truyền thống và đang tìm hiểu thị trường để xem có thể nuôi được cá đặc sản không.

Hiện nay, các đối tượng cá truyền thống nước ngọt chủ yếu cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi… Một số địa phương như Cửa Lò, Nghi Hợp (Nghi Lộc), Diễn Châu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Nam Đàn… đang phát triển nuôi một số đối tượng  mới như cá lóc đen, cá rô đầu vuông, cá diêu hồng, cá chình,  ba ba, cua, lươn…. Việc nuôi các đối tượng này đã được sự quan tâm của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm giống, Công ty CP giống thủy sản Nghệ An về mặt kỹ thuật. Một số hộ được đầu tư con giống khi làm mô hình.  Các hộ cũng miệt mài học hỏi và chăm sóc nên hầu hết các đối tượng nuôi đều đúng quy trình, đạt kết quả về chất lượng, số lượng.

Tuy nhiên, về đầu ra của sản phẩm hầu hết đều phải tự lo, không có thông tin và không có ai bao tiêu sản phẩm. Vì thế khi sản phẩm trong ao đạt khoảng 3 - 5 tấn, người nuôi có nguy cơ lỗ nặng do nuôi lâu, bán chậm hoặc rớt giá. Các đối tượng nuôi mới  giá cao, người nuôi chưa bám được thị trường. Việc kết nối giữa ao nuôi đến các nhà hàng, các đầu mối thu mua chưa có. Việc  nuôi cá của người dân hiện nay chủ yếu là “ thu tỉa thả bù”, trong khi đó một lần thu hoạch cũng tốn kém, ngay cả việc kéo lưới cũng phụ thuộc vào thương lái, nhiều người không tự kéo lưới được và không đủ nhân lực và phương tiện.

Hiện nay, sản lượng cá nước ngọt đã đạt trên 33.000 tấn/năm, ở vùng miền núi, trung du cũng đã phát triển được nguồn cá nước ngọt nên nhu cầu cơ bản đã đáp ứng cho toàn tỉnh, vì vậy giá cá truyền thống đang thấp xuống, bình quân như hiện nay bán tại ao là 30.000 đồng/ kg các loại. Bởi vậy việc đưa các giống cá mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi là việc làm có ý nghĩa nhằm bổ sung cho thị trường đa dạng chủng loại. Vì vậy người nuôi cá ở các địa phương cần thành lập tổ, nhóm, HTX để liên kết, hỗ trợ nhau, cắt cử nhau đi tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cơ sở, các cơ quan chuyên ngành cần hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường, liên hệ các đầu mối cho nông dân để người dân có được sự lựa chọn tốt nhất.

Châu Lan