(Baonghean) - Nước sạch cho dân cư nông thôn là vấn đề thiết yếu, dù được các cấp quan tâm đầu tư, nhưng đến nay cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Để làm tốt công tác này, cần đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng, quản lý, vận hành các cơ sở cấp nước phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Bế tắc ở Nam Đàn
Nhiều hộ ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn), hiện đang phải mang can, xô đi mua nước phục vụ ăn uống. Việc khoan giếng ở đây chỉ cần 5 đến 7m là có nước, nhưng không dùng được. Chị Nguyễn Thị Liên (xóm 9) cho biết: “Nước giếng khoan nếu để lắng cũng dùng được, nhưng một thời gian thì mọi người trong nhà đều bị bệnh ngoài da và rụng tóc. Dùng nước giếng để om chè thì nước chuyển sang màu đen đặc, hoặc nếu để quên gáo múc nước bằng nhựa trong thùng qua đêm, đến sáng mai sẽ có một lớp trơn nhầy bám phía ngoài”.
Hầu hết giếng khoan ở đây bơm nước lên đều có màu đỏ ngầu. Khi các cơ quan về thẩm định, bà con mới biết rằng nước có quá nhiều sắt và tạp chất. Năm 1997, xã có dự án cung cấp nước sạch của Nhật Bản tài trợ, nhưng như anh Nguyễn Viết Thiện nhà ở ngay sát công trình này cho biết: “Năm đó có 6 công nhân được điều về khoan giếng tại xóm 9, Khánh Sơn, sau một tháng rưỡi đã khoan được hơn 100m. Thế nhưng từ đó đến nay, không hiểu lý do gì dự án ngừng triển khai. Các xã lân cận như Nam Trung cũng vậy”. Hiện nay, nguồn nước duy nhất người dân sử dụng là từ khe Kẹp là nguồn nước sạch, ngọt và tinh khiết. Tuy nhiên, do nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm, nên người dân trong và ngoài huyện về đây lấy dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự. Từ đó chính quyền xã phải cử một bộ phận quản lý dưới hình thức bán. Người dân trong xã khi mua thì có giá từ 1-2 nghìn đồng/can, người ngoài xã từ 5 - 7 nghìn đồng/can”...
Đến nay, huyện Nam Đàn đầu tư xây dựng 3 nhà máy nước sạch ở các xã Nam Giang, Nam Cát và thị trấn. Tuy nhiên, nhà máy nước ở Nam Cát vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu kinh phí và chưa đồng bộ. Tìm hiểu tại 4 xã đã “cán đích” nông thôn mới của huyện là Kim Liên, Nam Cát, Nam Trung và Nam Giang thì có tới 3 đơn vị “đau đầu” về vấn đề nước sạch theo chuẩn Bộ Y tế. Để giải quyết nhu cầu nước sạch cho dân, hai xã Nam Trung, Hồng Long cách đây không lâu đã có chính sách cho dân vay vốn hỗ trợ lãi suất, mỗi hộ 8 triệu đồng xây bể chứa nước mưa. Còn xã Nam Cát, theo ông Đoàn Thành Đồng – Phó Chủ tịch xã: “Hiện tại người dân trong xã vẫn sử dụng nguồn nước mưa là chủ yếu. Hầu như gia đình nào cũng xây dựng bể chứa nước từ 2 đến 15 khối. Hiện, xã đang học cách làm của Kim Liên, lắp đặt hệ thống dẫn nước từ Nhà máy nước ở xã Nam Giang để cung cấp nước sạch cho người dân. Xã vận động bà con đóng góp mỗi hộ 1,460 triệu đồng để xây dựng hệ thống ống dẫn. Đến nay, trong 1.538 hộ của Nam Cát đã có 70% đăng ký, dự kiến trong tháng 11 này sẽ bắt đầu triển khai lắp đặt”.
Thế nhưng, chỉ những xã lân cận 2 nhà máy nước nói trên mới làm theo cách đó, còn các xã khác trong huyện thì không dễ vì địa hình cách xa, nguồn kinh phí lớn. Điều quan trọng hơn là công suất hai nhà máy trên không thể đủ cấp nước cho toàn bộ 23 xã của huyện. Vì nhiều khó khăn, các vùng như xóm Bàu hay Tân Hoàng (Nam Trung) vẫn phải khoan nước “gạch cua” lóng đi để dùng, nước nhạt không dùng được; các trường học trích quỹ mua nước lọc, nước đóng chai, đóng bình cho giáo viên, học sinh sử dụng, nhưng cũng không dám chắc nguồn nước đóng bình có đủ tiêu chuẩn hay không (?) và về lâu dài, điều này ảnh hưởng đến chi phí của người dân. Theo anh Nguyễn Phúc Hoàng – Chuyên viên văn phòng Nông thôn mới huyện, tình trạng thiếu nước sạch vùng nông thôn đang diễn ra khá phổ biến ở Nam Đàn, nhất là vùng “5 Nam” (gồm 5 xã Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc, Nam Kim và Khánh Sơn). Có 2 quy chuẩn được đề ra, đó là nước hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia và nước sạch theo chuẩn của Bộ Y tế. Hiện tại, đa phần người dân đang dùng nguồn nước hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia tức là không màu, không mùi, không vị (dùng trực quan để đánh giá). Còn nước sạch theo chuẩn Bộ Y tế thì được nhà máy nước xử lý và đạt 14 tiêu chí đề ra, đây là nguồn nước còn thiếu trầm trọng đối với cư dân vùng nông thôn.
Có 2 nguyên nhân khiến vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn gặp khó khăn, đó là vấn đề kinh phí và nguồn nước cung cấp cho nhà máy vận hành. Việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy nước hay lắp đặt hệ thống dẫn nước đều cần rất nhiều tiền, trong khi Nhà nước thiếu dự án đầu tư còn nguồn vốn huy động từ dân lại quá sức. Ngay cả nơi có dự án, thì ngoài số vốn hỗ trợ của Nhà nước vẫn phải huy động nguồn “đối ứng” khá lớn trong dân. Do đó, nhiều dự án khó thực hiện. Ngoài ra, nguồn nước cung cấp để xử lý cũng không đơn giản. Chẳng hạn, nguồn nước ngầm tại vùng “5 Nam” không dùng được nên phải lấy nước sông Lam. Nam Đàn được chọn xây dựng là huyện kiểu mẫu nông thôn mới của tỉnh, ngoài 4 xã cán đích, thì những xã còn lại đều đã thực hiện được trên 12 tiêu chí. Nhưng một trong những tiêu chí khó đạt hiện nay là nước sạch, nhiều giải pháp đưa ra, nhưng xem ra vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Xã hội hóa ở Hưng Nguyên
Cuối năm 2012, sau khi Dự án Nhà máy nước sach xã Hưng Tân được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, người dân xã Hưng Xá được đầu tư hệ thống đấu nối bằng đường ống từ nhà máy để sử dụng nước sạch. Hệ thống bao gồm 4 km đường ống dẫn chính, hệ thống đường mạng, bể lắng lọc, thiết bị vận hành, 670 công tơ lắp đặt tận hộ gia đình. Kinh phí đóng góp mỗi hộ dân là 500 ngàn đồng, còn lại là ngân sách xã. Theo tính toán, hệ thống sử dụng nước sạch này phục vụ nhu cầu 670 hộ dân trong xã. Tuy nhiên, quá trình đưa vào sử dụng, chỉ có 230 hộ sử dụng nước sạch, các hộ dân còn lại mặc dù được lắp đặt sẵn thiết bị, nhưng không sử dụng được nước từ nhà máy. Ông Trần Văn Phượng - xóm 3, xã Hưng Xá cho biết: “Nguồn nước giếng nhiễm phèn nên không ăn được, lâu nay gia đình sử dụng nước máy, nhưng giờ đường ống dẫn nước từ nhà máy về hư hỏng, có thời điểm nước dẫn về thấy đục hoặc không có nước dùng rất bất tiện”.
Tìm hiểu được biết, có 6 điểm trên đường ống dẫn nước trục chính và 4 khớp nối tại hệ thống đấu nối bị vỡ trong lòng đất, làm nguồn nước rò rỉ, thất thoát với tỷ lệ 60-70%. Ông Lê Xuân Quế - Chủ tịch UBND xã Hưng Xá cho biết: “Để khắc phục khó khăn trên, đầu năm 2014, UBND xã Hưng Xá đã huy động kinh phí hàng chục triệu đồng khôi phục các điểm ống và khớp nối những chỗ bị vỡ. Xã cũng chỉ đạo hợp tác xã đôn đốc đơn vị nhà thầu tìm nguyên nhân, kiểm tra hệ thống đo đếm, hệ thống đường ống dẫn đến công tơ từng gia đình, hệ thống công tơ nhánh đến công tơ tổng của nhà máy nước; xử lý, sửa chữa 6 đồng hồ lắp không đúng quy định. Về lâu dài, xã đang tính toán việc bàn giao quản lý hệ thống đường mạng dẫn nước cho Trung tâm cấp nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh quản lý…”.
Công trình cấp nước sạch tập trung nằm trên địa bàn xã Hưng Tân có tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng, 60% nguồn đầu tư của Nhà nước, 40% còn lại huy động từ đóng góp của nhân dân và ngân sách địa phương, trong đó, bình quân người dân đóng góp 1 triệu đồng/hộ. Ông Nguyễn Hữu Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tân cho biết: “Đến nay, toàn xã có 970 hộ dân (tỷ lệ 97% dân số) được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước sạch tập trung địa bàn. Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của tỉnh, nhà máy nước đang được đầu tư nâng cấp để mở rộng phạm vi cấp nước cho trên địa bàn và 3 xã Hưng Xá, Hưng Tiến, Hưng Thắng”.
Hưng Nguyên là huyện phụ cận Thành phố Vinh, địa hình thấp trũng. Lâu nay, người dân đã quen sử dụng nước sinh hoạt từ 3 nguồn chính đó là nước giếng khoan, nước mưa, nước sông suối, ao hồ. Để mang nước sạch sinh hoạt đến với người dân, mấy năm gần đây, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Hưng Nguyên đã xây dựng 3 nhà máy cấp nước sạch tập trung tại thị trấn, Hưng Tân, Hưng Phúc, tạo điều kiện cho gần 2 ngàn hộ dân được sử dụng nước sạch. Hàng năm, các công trình đều được các ban, ngành quan tâm hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, các nhà máy chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hiện nay, tại một số vùng như Hưng Yên, Hưng Trung, Hưng Long, Hưng Châu... nguồn nước nhiễm phèn, hay một số xã như Hưng Đạo, Hưng Lợi và các xã nằm ven đê 42 dọc Sông Lam có địa hình thấp trũng, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, hơn 90% hộ dân đang phải sử dụng nước giếng khoan và bể lọc nước gia đình.
Bà Bá Thị Dung - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện xác định nước sạch - VSMT là một tiêu chí quan trọng Quan điểm của huyện là tiếp tục tranh thủ, vận dụng mọi nguồn vốn từ các chương trình, dự án, kết hợp với huy động ngân sách địa phương để nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung để người dân được hưởng lợi. Năm 2014, trên cơ sở 2,95 tỷ đồng được tỉnh phân bổ theo chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, huyện đã cân đối, ưu tiên đầu tư vào một số công trình quan trọng gồm: Hỗ trợ 970 triệu đồng cho Dự án xây dựng công trình nước sinh hoạt xã Hưng Xá, hỗ trợ 1,78 tỷ đồng cho Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung Hưng Tân, Hưng Phúc và hỗ trợ trên 220 triệu đồng thực hiện Dự án xây dựng hệ thống vệ sinh nước sạch tại Trường Tiểu học Hưng Châu, Trường Tiểu học Hưng Yên Bắc.
Để đầu tư, nâng cấp công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân nông thôn, cần từng bước thực hiện việc xã hội hóa, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý vận hành cấp nước phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Về lý thuyết là như vậy, nhưng khi đi vào thực tế không dễ thực hiện. Vì thế, nước sạch cho nông thôn đang là vấn đề cần sự quan tâm sâu sát hơn nữa của nhiều cấp, ngành…
Thanh Quỳnh - Lương Mai