Trao đổi với chúng tôi về điều này, BS CK I Trần Thị Minh Nguyệt (Viện Nutifood Việt Nam) cho rằng: “Đây là một sai lầm trong chăm sóc trẻ, nước hầm xương có vị ngọt thơm tạo cảm giác ngon miệng, nhiều bà mẹ cho rằng bao nhiêu tinh túy bổ dưỡng nằm ở đó nên cho trẻ ăn thường xuyên.
Tuy nhiên, nước hầm xương hầu như không có các chất dinh dưỡng như đạm, canxi mà thành phần nhiều nhất trong nước hầm là mỡ động vật. Trong xương có canxi nhưng là canxi vô cơ, cơ thể không hấp thu được và cho dù hầm kỹ đến đâu cũng không theo ra nước hầm được, đạm cũng không tan trong nước nên không có trong nước hầm”.
Do đó theo BS Nguyệt, việc cho bé ăn nước hầm xương thường xuyên có nguy cơ gây suy dinh dưỡng do thiếu chất và mất cân đối thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần.
Tùy vào lứa tuổi và khẩu vị của từng bé mà người mẹ có thể chế biến thực phẩm sao cho phù hợp nhưng buộc phải đảm bảo làm sao bát bột/cháo luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm...); chất béo (dầu, mỡ); chất bột đường (bột, gạo); vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ).
Ngoài ra, các chất này cần được cân đối lượng vừa phải để vừa cung cấp đủ năng lượng, dưỡng chất, vừa giúp bé hấp thu và tiêu hóa tốt.
Để tránh tình trạng thiếu cân bằng dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi ăn dặm dẫn đến việc thấp còi, thiếu năng lượng... BS Minh Nguyệt đưa ra lời khuyên: “Nên cho bé ăn cả xác thịt, cá, rau củ và đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ đa dạng, có đủ các nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn.
Các bà mẹ thỉnh thoảng sử dụng nước hầm xương nhưng chỉ xem là cách giúp thực phẩm thơm ngon hơn, đổi khẩu vị cho bé. Phải chú ý vớt bỏ lớp mỡ bên trên nước hầm và phải cho bé ăn đủ thịt, cá, rau củ, ăn cả xác”.