Ngày 21/12, chị Nguyễn Thị Bích Hường - nữ tiếp viên hàng không bị tài xế xe Mercedes tông trọng thương đã có kháng cáo, đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp); đồng thời, đề nghị xem xét lại trách nhiệm dân sự đối với công ty cho Phong thuê xe.
Trước đó, ngày 16/12, TAND Phú Nhuận (TP.HCM) đã tuyên phạt Phong 7 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Tòa cũng buộc Phong phải bồi thường gần 2 tỉ đồng cho hai bị hại là ông Lê Mạnh Thường (tài xế Grabbike đã tử vong) và chị Hường.
Trong đơn kháng cáo, chị Hường cho rằng mức hình phạt mà TAND quận Phú Nhuận đã tuyên chưa phù hợp, chưa tương ứng với hành vi, hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Chị Hường đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo.
Về phần dân sự, chị Hường cho rằng, cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho chị số tiền hơn 1,4 tỷ đồng là phù hợp. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ buộc bị cáo Phong bồi thường là chưa đúng.
Bởi, việc giao xe Mercedes cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến Công ty TNHH TM Du lịch Vận tải Khang Gia (Công ty Khang Gia) và Công ty TNHH Fumita.
Vì vậy, theo chị Hường, hai công ty này phải có trách nhiệm liên đới, cùng bị cáo bồi thường cho những tổn thất của hai bị hại.
Theo đơn kháng cáo, nguồn gốc xe Mercedes Phong điều khiển gây tai nạn là của ông Võ Văn Phúc cho Công ty Fumita thuê. Tuy nhiên, chưa đủ chứng cứ chứng minh có việc Công ty Fumita cho Công ty Khang Gia thuê xe Mercedes là hợp pháp.
Mặc khác, trong hồ sơ vụ án, trong hợp đồng thuê xe giữa Công ty Fumita và Công ty Khang Gia chỉ đóng dấu, không có chữ ký của người đại diện Công ty Fumita. Do đó, hợp đồng này không có giá trị pháp lý.
Cũng theo chị Hường, hai công ty này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hồ sơ báo cáo thuế… để chứng minh có việc thanh toán tiền đối với giao dịch thuê xe.
Hợp đồng này có phải là ký “giả tạo” sau khi tai nạn xảy ra để chứng minh có việc cho thuê xe giữa Công ty Fumita và Công ty Khang Gia hay không?