Nguyễn Thị Kim Ngà sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố, mẹ làm nông nghiệp ở xã Trù Sơn (Đô Lương).
Ngay từ năm học lớp 5 ở trường làng, cô bé Ngà đã tham gia thi Toán tuổi thơ của huyện. Lên học cấp 2, Ngà bắt đầu “bén duyên” với môn Văn. Liên tục 4 năm liền từ lớp 6 đến lớp 9, em đều đạt học sinh giỏi môn Văn của huyện. Riêng năm lớp 8 đạt Thủ khoa môn Văn cấp huyện; lớp 9 đạt giải Ba môn Văn cấp tỉnh.
Lên cấp 3, năm học lớp 11, Ngà tiếp tục đạt giải Nhì môn Văn toàn tỉnh. Không những học giỏi môn Văn, Ngà học giỏi đều các môn học khác.
Trước khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, trong 3 lần thi thử tốt nghiệp do nhà trường tổ chức, Ngà đều đạt Thủ khoa khối D. Lần thi thử thứ nhất đạt 25,1 điểm, lần 2 đạt 23 điểm, lần 3 đạt 24 điểm.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, Ngà đạt 24,5 điểm, trong đó môn Văn 9,5 điểm, Toán 8 điểm, tiếng Anh 7 điểm. Tổng điểm đạt 24,5.
Kỳ thi năm nay, cả nước không có điểm 10 môn Văn, 9,5 điểm là cao nhất. Với môn Văn đạt 9,5 điểm, Ngà là 1 trong 10 thí sinh của Nghệ An có điểm thi môn Văn cao nhất cả nước.
Nói về kinh nghiệm học Văn của bản thân mình, Ngà chia sẻ: Theo em, muốn học giỏi môn Văn, trước tiên phải có đam mê, thường xuyên rèn luyện kỹ năng viết và cảm thụ. Đọc nhiều bài văn mẫu của các học sinh đạt học sinh giỏi Quốc gia. Thường xuyên trao đổi với thầy, cô khi mình chưa hiểu một vấn đề nào đó trong bài, sau đó viết lại. “Mỗi buổi tối em thường dành 2 tiếng để học môn Văn". Ngà nói
Nhận xét về Ngà, cô Đặng Thị Hiệp, giáo viên dạy Văn trực tiếp cho Ngà cho biết: “Đối với người giáo viên như tôi, gặp được Ngà là niềm hạnh phúc, bởi em luôn có sự cầu tiến, học hỏi; rất chủ động trong học tập, trao đổi với thầy, cô, điều đó làm cho giáo viên phải trăn trở".
“Kết quả học tập của em cũng giúp thầy, cô khẳng định được chính mình, tự tin hơn với những gì mình định hướng” - cô Hiệp nói
Nữ sinh giỏi Văn còn có tấm lòng thiện nguyện, ngay sau kỳ thi THPT Quốc gia, gần 15 ngày nay, vào mỗi buổi tối Ngà lại tổ chức dạy học miễn phí cho các em nhỏ đang học tiểu học trong xóm.
Trong gian nhà chật hẹp của gia đình, tíu tít lời nói của các em, lời giảng bài của Ngà như xua tan đi những đợt gió Lào nóng bức, làm mát lòng bố mẹ em và những người hàng xóm ở một vùng quê nghèo được ví "vắt đất thành hoa”, một địa danh nhiều người biết về sự cần cù chịu khó “Nồi đất Trù Sơn”.