(Baonghean) - Sinh năm 1985, nhưng Nguyễn Thị Thúy – nữ giảng viên trẻ của Khoa Nông Lâm Ngư trường Đại học Vinh đã có trong tay 3 giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam của World Bank và tháng 10 này, cô cũng là một trong 9 nhà nông trẻ của Nghệ An vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ VI năm 2011 do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân đông con ở xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nguyễn Thị Thúy đã quen với việc đồng áng, ruộng vườn. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô gái có vẻ bề ngoài nhỏ nhắn nhưng tràn đầy nghị lực ấy đã trở thành sinh viên khoa nông lâm ngư Trường Đại học Vinh. Suốt quá trình học, cô luôn là sinh viên xuất sắc của khoa, của trường. Bước sang năm thứ 3, chương trình học nghiêng về phần thực hành, Thúy được lãnh đạo khoa tạo điều kiện hướng dẫn làm quen với công tác nghiên cứu khoa học và cô đặc biệt say mê với công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và mất nhiều thời gian này.
Năm 2008, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi cộng thêm bằng khen của hiệu trưởng trường đại học Vinh dành cho sinh viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học và đặc biệt là đề án “Cùng người dân xây dựng vùng trồng rau an toàn bằng sử dụng chế phẩm sinh học tự tạo từ cây cỏ địa phương" mà Thúy tham gia từ khi còn là sinh viên năm thứ 4 cùng với các giáo viên trong khoa đã đạt Giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam của World Bank, Thúy được nhà trường giữ lại làm giảng viên của khoa Nông Lâm Ngư. Đây là bước ngoặt lớn, chắp cánh cho niềm đam mê nghiên cứu các chế phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp của Thúy.
Được sự tài trợ (khoảng gần 3 triệu đô la) cho tiểu dự án (QIG-C) “Nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư các ngành Nông Lâm Ngư của Trường Đại học Vinh”, Khoa Nông Lâm Ngư đã được đầu tư một hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm đồng bộ và hiện đại, bao gồm 01 trung tâm phân tích thực nghiệm, 05 phòng thí nghiệm chuyên đề, 15 phòng thí nghiệm thực hành và 3 trại thực nghiệm nông nghiệp và thuỷ sản phục vụ nghiên cứu khoa học. Ban chủ nhiệm Khoa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động giảng dạy và học tập, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giải quyết các vấn đề từ thực tiễn địa phương.
Các đề tài nghiên cứu đều sát thực với đời sống sản xuất của bà con nông dân giúp bà con tiếp cận nhanh nhất để áp dụng trên đồng ruộng. Sau thành công của việc chế tạo ra sản phẩm thảo mộc từ các loại như hoa cúc, gừng, tỏi, sả, ớt…. để thay thế thuốc trừ sâu sử dụng trồng rau, Thúy và đồng nghiệp đã tiến hành khảo nghiệm thành công trên diện tích khoảng 10 ha đất trồng rau tại xã Nghi Kim (thành phố Vinh). Cái khó nhất vẫn là làm sao để người dân tin vào chất lượng sản phẩm, thay đổi thói quen sử dụng thuốc sinh học bằng thảo mộc góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng. Bởi vậy cô giáo Thúy cùng đồng nghiệp và các sinh viên trong khoa đã lăn lộn trên đồng ruộng “cầm tay chỉ việc” cho bà con như một người nông dân thực thụ. Đó cũng là tiền đề cho đề án phát triển rau an toàn tại xã Nghi Kim với diện tích khoảng 35ha của 180 hộ dân, đạt sản lượng 180 tấn/1 vụ đảm bảo chất lượng rau an toàn và cung cấp thường xuyên cho 4000 người dân thành phố Vinh và vùng phụ cận. Từ thành công của chương trình, Khoa nông lâm ngư còn mở các ki ốt, đại lí để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Nhờ vậy đến nay thương hiệu Rau An toàn của Nghi Kim không chỉ xuất hiện trong các chợ mà còn có mặt trong các siêu thị trên địa bàn.
Đề án thứ 2 mà Thúy tham gia nghiên cứu sau những chuyến cùng sinh viên trực tiếp khảo sát ở cả các huyện đồng bằng và miền núi như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong có tên gọi “Mức độ hài lòng của người dân đối với dịch cụ công trong sản xuất nông nghiệp” cũng được World Bank trao giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam năm 2009. Năm 2011, niềm vui lại đến khi đề án “xây dựng cơ sở sản xuất chế phẩm thảo mộc để trồng rau an toàn tại thành phố Vinh” do cô làm chủ nhiệm tiếp tục đạt giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam của Word BanK. Từ đề tài này, Khoa Nông lâm ngư (Đại học Vinh) liên kết với Công ty TNHH Lý Mỹ Hưng đóng trên địa bàn xã Hưng Lộc chuẩn bị xây dựng được 01 cơ sở chế biến thuốc thảo mộc qui mô nhỏ, với công suất năm đầu khoảng 1500 - 2000kg chế phẩm (bột gừng và cúc)/vụ rau, với 10 – 15 công nhân nhằm tạo ra các thuốc trừ sâu thảo mộc thương phẩm cung cấp cho người dân phòng trừ sâu hại trong sản xuất rau an toàn tại Thành phố Vinh và vùng phụ cận. Đề án được xây dựng trên cơ sở mô hình gắn kết của 4 nhà: nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà quản lý.
Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, cô giáo Thúy còn tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện cho các em sinh viên thực hành nghiên cứu. Và bản thân cô cũng đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục- Đào tạo đối với giảng viên hướng dẫn sinh viên NCKH đạt giải thưởng VIFOTEC năm 2009. Chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình, Thúy cho biết: “Phải luôn có ý chí phấn đấu vượt lên khó khăn và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, luôn trăn trở với nghề nông nghiệp và người nông dân; năng động, sáng tạo trong nắm bắt và giải quyết vấn đề từ thực tiễn đặt ra…”
Những nỗ lực của giảng viên trẻ Nguyễn Thị Thúy đã được ghi nhận khi cô trở thành 1 trong 9 đại diện của tỉnh Nghệ An vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho 100 nhà nông trẻ tiêu biểu khu vực miền Trung năm 2011 do TƯ đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.