Nữ diễn viên Từ Tịnh đã qua đời sau khi chọn cách điều trị ung thư theo y học cổ truyền bằng các biện pháp châm cứu, cạo gió, giác hơi. 

images1687945_tu_tinh_4429_1474020801.jpgNữ diễn viên xinh đẹp Từ Tịnh chết vì ung thư sau khi chọn cách điều trị theo y học cổ truyền Trung Quốc. Ảnh: Shanghaiist.

Các bức ảnh về cơ thể đầy vết bầm tím, sưng phù của nữ diễn viên 25 tuổi Từ Tịnh (Xu Jing) đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc nhằm phản ánh những nguy cơ trong việc sử dụng liệu pháp y học cổ truyền để điều trị ung thư, theo Guardian. 

Hồi tháng 7, Từ Tịnh công khai việc cô bị ung thư hạch bạch huyết, loại bệnh gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống miễn dịch và được cho là cần phải điều trị bằng hóa trị. Tuy nhiên, Từ nói cô sợ đau và chi phí đắt đỏ nên chọn cách dùng y học cổ truyền. 

"Không quan trọng là tôi có thể sống bao lâu, điều tôi muốn là mỗi ngày đều được hạnh phúc. Tôi không muốn việc hóa trị làm khổ mình đến mức mất hết vẻ đẹp và tài năng diễn xuất", Từ nói. Cô đăng lên mạng xã hội Weibo những hình ảnh về việc dùng giác hơi và châm cứu, khiến cơ thể có nhiều vết bầm tím. 

Một số người dùng Weibo đã thúc giục cô nên hóa trị. "Bạn cần phải dựa vào y học hiện đại để cứu lấy mạng sống của mình", một người viết trên tài khoản của Từ.

Từ cũng sử dụng biện pháp "gua sha" (liệu pháp massage cơ thể bằng một công cụ như đồng tiền bằng bạc, thìa bạc, còn gọi là cạo gió), khiến trên da cô nhiều vết mẩn đỏ.

"Thành thật mà nói, dùng liệu pháp y học cổ truyền cũng đau đớn", Từ sau đó viết trên tài khoản Weibo. Đến tháng 8, khi sức khỏe của Từ khá hơn, chị gái cô khuyến khích cô dùng hóa trị. Tuy nhiên, Từ đã qua đời hôm 7/9, ngay sau khi hóa trị. 

Truyền thông Trung Quốc đang tranh luận về tính hiệu quả của y học cổ truyền trong điều trị ung thư. Trên trang điện tử của People's Daily, Tiến sĩ Phùng Lợi (Feng Li), người đứng đầu khoa y học cổ truyền, Học viện Y khoa Bắc Kinh, nói rằng không nên đổ lỗi cho các phương pháp truyền thống trong cái chết của Từ. 

"X-quang, hóa trị và phẫu thuật có hiệu quả trong giảm kích cỡ khối u, còn liệu pháp cổ truyền Trung Quốc làm giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa kèm đau do liệu pháp Tây y gây ra", ông Phùng nói.

Tiến sĩ này cho rằng sau khi khối u được kiểm soát, các biện pháp y học Trung Quốc sẽ "sửa lỗi" trong hệ thống miễn dịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và giảm nguy cơ khối u tái phát. 

Guardian cho biết trong một đánh giá năm 2014, có nhiều bằng chứng cho thấy các biện pháp y học Trung Quốc có giá trị "thấp và vừa phải" trong điều trị ung thư.

Truyền thông phương Tây cho rằng chi phí chính là rào cản lớn nhất trong điều trị đối với các bệnh nhân ung thư ở Trung Quốc. Với trường hợp của Từ, cô cho biết mình đã phải nỗ lực suốt 5 năm để góp phần nuôi sống gia đình.

"Tôi kiếm tiền trả học phí cho em trai, trả nợ cho bố mẹ tôi và thậm chí mua một ngôi nhà. Áp lực khiến tôi không còn hơi sức để thở", Từ từng viết trên Weibo. 

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN