Nhiều cơ sở không phép, sai phạm
Thời gian qua, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân tại Nghệ An phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng (đứng thứ 3 cả nước sau TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Tính đến năm 2019, tổng số cơ sở y, dược được cấp phép là 2.760 cơ sở (532 cơ sở hành nghề y, 2.237 cơ sở hành nghề dược).
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, ngày 29/1/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND. Chỉ thị 03 ra đời chấn chỉnh hoạt động hành nghề y, dược tư nhân với sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành và các địa phương từ công tác tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đến công tác thanh, kiểm tra.
Qua đó, nhiều cơ sở hành nghề không phép đã được dẹp bỏ, cơ sở sai phạm đã được uốn nắn. Cụ thể: Trước khi Chỉ thị 03 ra đời, số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép được các huyện rà soát, báo cáo là 685 cơ sở; sau khi triển khai Chỉ thị, tính đến ngày 30/9/2018 còn 83 cơ sở.
Tuy vậy, bước vào năm 2019, công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân dường như lại bị buông lỏng, lơ là nên các vi phạm lại trong quá trình khám, chữa bệnh lại xuất hiện với mật độ dày đặc. Các vi phạm phổ biến là: Hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; quảng cáo quá phạm vi chuyên môn; biển hiệu ghi chưa đúng quy định; niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ; người hành nghề không đúng chức danh, người phụ trách chuyên môn còn vắng mặt khi cơ sở hoạt động...
Cơ sở vi phạm điển hình là Phòng khám Đa Khoa Thái Dương (trực thuộc Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ thương mại Thái Dương) có địa chỉ tại số 99, đường Lê Lợi, thành phố Vinh. Ở cơ sở này, y tá “đội lốt” bác sĩ khám cho bệnh nhân; bệnh nhân không mắc bệnh vẫn “bắt” bệnh nhân có bệnh; không đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn... Khi nhận được phản ánh, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra và ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động.
Bên cạnh những vi phạm của các cơ sở hành nghề y dược có phép, từ đầu năm trở lại đây, cơ sở hành nghề không phép lại gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Những cơ sở không phép này bao gồm cả những cơ sở đã được đình chỉ nhưng tái hoạt động lại và cơ sở thành lập mới.
Và từ đầu năm đến nay, những phòng khám nha khoa không phép này đã “gây họa” cho nhiều người. Điển hình là vụ việc vào tháng 1/2019, ông Ngũ Văn C. (SN 1959, trú xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) đi làm dịch vụ răng tại Nha khoa Hoài Giang ở thị trấn Dùng. Tại đây, sau khi làm dịch vụ răng thì ông C. đột nhiên ngất xỉu. Nạn nhân đã được chuyển xuống bệnh viện huyện, tỉnh cấp cứu, điều trị nhưng sau đó đã tử vong.
Phòng Y tế chỉ có 2 người nhưng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành y tế rất rộng nên công tác quản lý về hành nghề y, dược tư nhân còn hạn chế, khi triển khai các hoạt động đều phải phối hợp với các đơn vị liên quan. Kinh phí để triển khai các hoạt động không có, nên khi tổ chức thanh kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
“UBND tỉnh cần đưa công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập theo đánh giá thực hiện Chỉ thị 03 vào tiêu chí đánh giá xếp loại cuối năm 2019 đối với UBND cấp huyện. Các huyện, thành, thị cũng cần đưa việc đánh giá thực hiện Chỉ thị 03 vào tiêu chí đánh giá xếp loại cuối năm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chỉ thị không nghiêm; rà soát, lập danh sách địa chỉ cụ thể các cơ sở hành nghề không phép để kiểm tra xử lý nghiêm; bố trí nhân lực hợp lý, kinh phí chi cho công tác kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trong ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cấp UBND huyện”.