Vào cuộc quyết liệt

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã chọn 3 xã: Diễn Tháp, Diễn Hồng, Diễn Phong làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

Nhà văn hóa xóm Liên Hoa, xã Diễn Xuân được mới đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của nhân dân sau sáp nhập xóm. Ảnh: Mai Giang

Tại xã Diễn Hồng, ban đầu một số cán bộ chính quyền xã chưa có kinh nghiệm, còn lúng túng trong triển khai, nhưng với cách làm thận trọng, Diễn Hồng đã về đích sớm. Các tiêu chí được đánh giá cao về chất lượng cũng như tính bền vững…

Với phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, Diễn Hồng phát huy nội lực, huy động ngân sách địa phương, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp, tranh thủ hỗ trợ cấp trên, phát động phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; trong đó có phong trào hiến đất, công trình xây dựng hệ thống giao thông.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Hồng

Người dân Diễn Thái phấn khởi trước sự đổi thay của xóm làng. Ảnh: Mai Giang

Từ sự về đích nông thôn mới của 3 xã điểm đúng kế hoạch với những đổi thay đời sống, diện mạo nông thôn sung túc, khang trang đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tại các địa phương. Kết quả đến hết năm 2015, huyện có 13 xã được công nhận xã nông thôn mới. Từ kết quả thực hiện ở 13 xã, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo.

Tại xã miền núi Diễn Lâm, xây dựng nông thôn mới ở đây có thể xem là 1 kỳ tích. Từ một xã thuần nông khó khăn vào bậc nhất huyện, Diễn Lâm vươn lên mạnh mẽ để về đích năm 2016 và đến năm 2021 là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Diễn Châu đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Với phương châm, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục nâng cao các nội dung, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới để tiến tới xây dựng xã Diễn Lâm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Tạ Thanh Hảo - Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm

Một góc nông thôn mới nâng cao tại Diễn Thái. Ảnh: Mai Giang

Có rất nhiều câu chuyện cảm động trong việc huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở Diễn Châu đã được ghi nhận. Đơn cử chuyện hiến, góp đất làm đường, làm công trình công cộng dường như chẳng thể dễ ở thời buổi “tấc đất tấc vàng” này nhưng lại được rất đông người dân ở làng quê hưởng ứng.

Gia đình giáo dân Chu Văn Lâm, xóm Trung Thành, xã Diễn Hồng là 1 điển hình. Nhà nằm cạnh con đường liên thôn, theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương, con đường sẽ đi qua vườn gia đình nhà ông Lâm. Nhiều loại cây trồng, đất đai bị ảnh hưởng, nhưng ông Lâm đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đảm bảo mở rộng đường giao thông thông thoáng hơn, phục vụ lợi ích cho cộng đồng.

Sáng tạo để xây dựng nông thôn mới bền vững

Xây dựng nông thôn mới đồng thời tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Diễn Châu đã xây dựng các nghị quyết, đề án phù hợp với đặc điểm lợi thế của từng vùng, từ việc bố trí lại sản xuất đến việc đưa các loại cây trồng để đem lại thu nhập cao cho người dân. Cùng với đó, là việc ứng dụng công nghệ, hợp tác sản xuất, những mặt hàng nhỏ lẻ, từ các miền quê mộc mạc trở thành đặc sản được nhiều người tìm mua, nhiều sản phẩm nhận được nhiều giải thưởng cao do các bộ, ngành Trung ương tổ chức.

Mô hình nuôi tôm bể nổi cho thu nhập cao tại xã Diễn Kim. Ảnh: Mai Giang

Từ các nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cũng như Quỹ hỗ trợ nông dân, Diễn Châu đã đầu tư 3 mô hình nuôi tôm bể nổi thành công. Anh Nguyễn Viết Thắng, chủ đầm tôm ở xã Diễn Trung cho biết, nuôi tôm truyền thống chỉ đạt 10 tấn/ha, nay áp dụng công nghệ đã tăng lên 60 tấn/ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chỉ cách đây 10 năm đại bộ phận gia đình nông dân Diễn Châu mức thu nhập 100 triệu đồng/năm là niềm mơ ước, nay nhiều hộ đã đạt được. Qua thực hiện xây dựng nông thôn mới, ở Diễn Châu những thôn đã hết hộ nghèo, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày một tăng, thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng không phải là hiếm. Thế nhưng, quan trọng hơn, nông thôn mới chính là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống. Vì lẽ đó, trong quá trình thực hiện chương trình, huyện Diễn Châu đã luôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng các thiết chế văn hóa. Các thôn, xóm tích cực thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn nề nếp, lối sống tốt đẹp vốn có của quê hương.

Nông dân xã Diễn Hải tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mai Giang

Đồng chí Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Diễn Châu cho biết: Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao. Khó khăn nhất là 3 xã Diễn Vạn, Diễn Bích, Diễn Đoài, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đã đạt nông thôn mới năm 2022.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự khơi dậy được tinh thần yêu nước và sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Diễn Châu. Đến thời điểm hiện tại, Diễn Châu đã có 100% xã, thị đạt nông thôn mới; 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao và đang trình các cấp có thẩm quyền để đón bằng công nhận huyện nông thôn mới. Mục tiêu trước 2030, huyện Diễn Châu phấn đấu trở thành thị xã theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng kinh phí đã thực hiện xây dựng nông thôn mới 10 năm qua hơn 8.235 tỷ đồng. Trong đó Ngân sách nhà nước trên 5.854 tỷ đồng, chiếm 71,1%. Ngân sách Trung ương gần 1.574 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh hơn 1.533 tỷ đồng; Ngân sách huyện gần 1.596 tỷ đồng; Ngân sách xã 1.152 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp hỗ trợ 255 tỷ 757 triệu đồng, chiếm 3,1%. Vốn dân góp 2.124 tỷ 836 triệu đồng, chiếm 25,8%. Trong đó: Tiền mặt 1.951 tỷ 805 triệu đồng. Ngày công lao động (quy tiền) 55 tỷ 216 triệu đồng; Hiện vật quy đổi (hiến đất, giá trị tài sản) 117 tỷ 815 triệu đồng; Nguồn vốn nhân dân đóng góp chủ yếu thực hiện bằng đóng góp kinh phí làm đường giao thông (cát, đá, sỏi) ủng hộ ngày công, hiến đất và các loại vật tư, vật liệu sẵn có....Trong 10 năm, người dân toàn huyện đã hiến 2.323.101m2 đất, gần 900 ngàn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa xóm.