(Baonghean.vn) – Biết vậy nhưng người tiêu dùng vẫn không còn sự lựa chọn nào khác bởi đang là thời điểm trái vụ, không ăn thì biết ăn gì. Lụt thì lút cả làng. Biết làm răng?!  Đang loay hoay cho hàng vào bì và nêm cho chặt để “đổ” cho dân buôn Hà Nội, chị Khuyên – một thương lái chuyên đổ sỷ bầu, bí 15 năm nay tại chợ Vinh, cho biết: “Ở Hà Nội không có hàng này nên dân buôn toàn lấy hàng tấn trong này ra, nói thật bầu bí là hàng Đắk Lắk sạch, không có hàng tàu mô, vô tư mà ăn”. Khi tôi hỏi thăm những mặt hàng khác như hành tây, khoai tây, cà rốt, gừng thì chị cho biết: “Đây không buôn loại nớ nhưng hàng tàu cả mà đắt hơn hàng ta những 5-6 giá, được cấy đẹp chứ ngon lành chi, ăn vô lại độc. Bọn đánh hàng tàu hấn đánh hàng chục tấn nhưng không có lấy một củ thối, thì chỉ có thuốc mới được rứa chơ.” Tuy nhiên, có một thực tế là, tại chợ Vinh đa số mặt hàng củ quả có xuất xứ từ Trung Quốc được thương lái thu mua và đổ sỷ cho các chợ huyện đều có giá đắt hơn và được công khai với khách hàng: “hàng Tàu đó, 10 như 1, đắt nhưng mẫu mã đẹp.”

Nông sản trái vụ chủ yếu là hàng Trung Quốc ảnh 1

Hàng nông sản đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc được đổ sỷ tại chợ Vinh

Bên cạnh hàng chị Khuyên là hàng củ của chị Hải. Những bì tải gừng củ, nghệ tươi, hành tây được xếp thành từng đống cao ngất ngưởng. Trong vai là người buôn về chợ huyện, mới đi lấy hàng lần đầu, tôi dò hỏi xem cách thức nhập hàng và mối hàng. Chị Hải nói: “Bọn chị nhập và tiêu thụ hàng chục tấn mỗi ngày, đa số là đánh hàng từ Móng Cái. Khi nhập đã thấy hàng đẹp thế này, mình về chẳng dùng thêm hóa chất gì, bây giờ cái gì của Tàu mà nỏ độc hầy, cứ thấy dân ta ăn rầm rầm đó thôi. Không buôn hàng Tàu thì hành tây, khoai tây, cà rốt trồng trong nước mùa ni lấy mô ra”. Chị mua hàng đứng cạnh tôi đang đóng khoai tây, cà rốt về chợ bán lẻ, nói thêm: “Mỗi ngày tôi mua chừng 4-5 yến khoai tây, cà rốt, về nhập mà cứ thấy bán hết vèo, dân cũng biết đó là hàng Tàu nhưng vẫn mua nhiều ”.  Hiện đang là thời điểm trái vụ các loại củ quả nên hầu hết các sản phẩm củ bày bán tại chợ là hàng Tàu. Vì thế, dù là hàng Tàu nhưng giá cũng không hề rẻ. Tại chợ Vinh, hành tây có giá 15.000 đồng/kg, hành tăm 25.000 đồng/kg, khoai tây 13.000 đồng/kg, cà rốt 8.000 đồng/kg, gừng củ 17.000 đồng/kg. Thế nhưng ra đến các chợ bán lẻ, hay siêu thị thì đắt hơn những 4-5 giá. Người tiêu dùng biết nhưng không ăn thứ đó thì ăn gì, vì những củ quả trái mùa thì chỉ hàng tàu mới có?  Theo chị Khuyên, đánh hàng tàu rất có lãi vì nhập hàng từ đầu mối Móng Cái bằng xe nhà chỉ có giá bằng 1/3 giá đổ sỷ tại chợ Vinh. Tại chợ Vinh có khoảng 30 ki ốt kinh doanh hàng nông sản khô, nhưng có 7 nhà đi đánh hàng Móng Cái. Tất cả hàng nông sản tại các huyện, siêu thị hay các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình đều “ăn hàng” từ các thương lái ở đây. Mỗi ngày bắt đầu từ 1h sáng xe hàng về, đã tấp nập người buôn kẻ bán.

Bầu và bí được cho là có xuất xứ từ Đắk Lắk

Anh Vinh người chuyên dỡ hàng cho chị Hải cho biết: “Đi ăn hàng tại mối không phải đơn giản đâu, cũng phải tranh cướp nhau, nhiều khi đã giao dịch qua điện thoại có chắc 10- 15 tấn mà ra đến nơi chỉ được có vài tấn, lỗ “bể mặt” chứ đừng tưởng, giá hàng tàu nó đắt cũng một phần vì đầu vào không ổn định.” Cũng theo anh Vinh, dân buôn ở Vinh và các huyện phụ cận chủ yếu về để bán lẻ tại các chợ và để phục vụ rau củ tại các nhà hàng, quán ăn, có một số mặt hàng được đổ sỷ cho các siêu thị như khoai tây, cà rốt, hành tây, tỏi tây và tại các siêu thị vẫn thường thấy các loại củ quả này dán nhãn nhập từ Đà Lạt, Đắk Lắk…   Bà Hạnh - một người dân ở Hưng Dũng – TP Vinh cho biết: “Dân cũng đã rành những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc và người bán cũng không thèm dấu diếm như trước đây, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận mua vì thực tế đâu đâu cũng thấy đồ tàu. Mà của ta chắc gì đã khá hơn, cả lương thực, thực phẩm bún bánh giò chả đều thấy báo, đài thông tin chứa hóa chất độc hại đấy thôi. Rau củ quả chắc phải là ngoại lệ. Lụt thì lút cả làng. Biết làm răng?!”

Thanh Nga