(Baonghean) - Nghệ An hiện có 14 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động với gần 200 cơ sở sản xuất. Các chủ đầu tư thiếu quan tâm đến đầu tư hạng mục xử lý môi trường, dẫn đến nhiều CCN gây ô nhiễm môi trường kéo dài. 

Song song với đầu tư phát triển là ô nhiễm môi trường. Mâu thuẫn thực tiễn này là không thể tránh khỏi. Vấn đề là cần phải có trách nhiệm chung cùng giải quyết mâu thuẫn đó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và cộng đồng, tạo môi trường phát triển bền vững.

images1425849_2.jpgNước thải từ các cơ sở sản xuất ở xã Diễn Ngọc(Diễn Châu) chảy ra bể chứa tập trung gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường gần đây trở thành vấn đề quan ngại của các cơ quan chức năng và gây bức xúc trong nhân dân. Tại các khu công nghiệp, nhà máy nổi lên là ô nhiễm nguồn nước thải do trước đây chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và bản thân các doanh nghiệp nằm trong KCN cũng không quan tâm đến việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải nội bộ trước khi thải ra môi trường. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, đơn vị đốc thốc quyết liệt và giám sát để các doanh nghiệp tự khắc phục, đồng thời xúc tiến đẩy nhanh xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN...

Nhìn tổng thể thì tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên tại một số cơ sở sản xuất mặc dù đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn gây ô nhiễm.

Nước rỉ từ các cơ sở chế biến cá không được xử lý thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đơn cử tại Nhà máy bao bì Sabeco của Công ty CP Sabeco Sông Lam, theo phản ánh của ông Nguyễn Tiến Thanh – cán bộ tiếp dân xã Hưng Đông, mặc dù đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải được cơ quan chức năng thẩm định và lấy mẫu phân tích đều đảm bảo, nhưng có những thời điểm cơ sở này vẫn gây ô nhiễm môi trường về nước và khí thải, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thành, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống khiến người dân búc xúc, mà điều lớn hơn là giảm lòng tin của người dân đối với các cấp, các ngành trong việc quan tâm, giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không thừa nhận việc gây ô nhiễm của mình, còn phía các cơ quan chức năng thì chưa có cơ sở để xác định cụ thể và chính xác việc ô nhiễm từ nhà máy, bởi nước thải từ nhà máy được thải chung trong hệ thống mương tiêu của xã Hưng Đông đi ngầm qua nhà máy.

Nước thải đã qua xử lý của một số bệnh viện vẫn màu xanh đen và đặc quánh.

Ông Trần Minh Sơn - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, cho rằng “hiện tại rất khó để xác định, nếu chui vào trong ống ngầm để kiểm tra rất nguy hiểm đến tính mạng do ngạt khí độc. Phòng Cảnh sát Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi và bằng các nghiệp vụ để xác minh, làm rõ, khi phát hiện sẽ xử lý theo quy định của luật pháp”.

Hay như tại KCN Nam Cấm, Nhà máy điện tử Hi – Tech BSE mặc dù đã có hệ thống xử lý nước thải và kết quả quan trắc đều đảm bảo môi trường, tuy nhiên vào ngày 6/11/2015, thông qua phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên - Môi trường của Ban quản lý KKT Đông Nam tổ chức kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường theo đường thoát nước mưa. Tiếp đó ngày 18/11/2015, Thanh tra Tổng cục Môi trường tiến hành lấy mẫu nước thải đột xuất và phát hiện hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Tình hình tương tự ở một số làng nghề; như ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), nơi tập trung một số cơ sở chế biến bột cá gây ô nhiễm môi trường được cử tri và nhân dân quanh vùng bức xúc, kiến nghị nhiều lần, nay một vài doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thổng xử lý, việc ô nhiễm môi trường nơi đây đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, có những thời điểm, nhất là khi chiều tà, sương xuống đẩy theo khói và mùi xuống thì vẫn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.

Chính đại diện của Công ty TNHH Hiền Tuyến cũng thừa nhận: Vấn đề mùi thì không thể tránh khỏi. Trong gia đình chỉ đun nấu một nồi cá cũng phát sinh mùi rồi, huống hố đây là một cơ sở sản xuất. Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm tại đây vẫn chưa giải quyết một cách triệt để...

Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Công tác xử lý chất thải y tế tại các bệnh viên tuyến huyện và các trạm y tế xã đang đặt ra nhiều khó khăn, bức xúc. Toàn tỉnh hiện có 9 bệnh viện tuyến huyện được trang bị lò đốt 2 buồng của Nhật Bản trong năm 2010 (một số đã xuống cấp) và 9 bệnh viện được trang bị lò đốt 1 buồng của Việt Nam từ năm 2005, nay đã xuống cấp. Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu được trang bị lò đốt 1 buồng, theo ông Nguyễn Tiến - Giám đốc bệnh viện, hiện tại loại lò đốt này hoàn toàn không hoạt động.

Để xử lý rác thải rắn, bao gồm rác thải sinh hoạt và rác thải y tế, thời gian qua, bệnh viện đã thực hiện thu gom, phân loại và bảo quản rác; đồng thời ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An để xử lý rác thải sinh hoạt, bình quân 1 tháng/lần và ký hợp đồng với Công ty TNHH Galax xử lý rác thải y tế, 2 ngày/lần. Riêng về nước thải y tế được bệnh viện thu gom và xử lý bằng phương pháp vi sinh và ClorominB nhưng vẫn chưa đảm bảo môi trường. Và, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu chỉ là cá biệt, trong 9 bệnh viện được trang bị lò đốt 1 buồng từ năm 2005 đã xuống cấp, chủ yếu dùng bằng phương pháp đốt... thủ công.

Các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã cũng xử lý toàn bộ rác thải bằng đốt thủ công hoặc chôn lấp.Bên cạnh đó, hiện đang có 4 bệnh viện và các Trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện; các Phòng khám ĐKKV, 480 Trạm y tế xã chưa có hệ thống xử lý nước thải...

Toàn tỉnh có 14 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động với gần 200 cơ sở sản xuất. Các chủ đầu tư thiếu quan tâm đến đầu tư hạng mục xử lý môi trường, dẫn đến nhiều CCN gây ô nhiễm môi trường kéo dài chậm được khắc phục như CCN Diễn Hồng (huyện Diễn Châu); Nghi Phú, Đông Vĩnh (thành phố Vinh)...

Ông Phạm Văn Minh - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Sở Y tế: Thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra các bệnh viện (cơ sở y tế) trong toàn ngành thực hiện công tác xử lý chất thải tại các bệnh viện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án xủ lý chất thải đã được phê duyệt, đồng thời tìm tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn kinh phí Trung ương để đầu tư hệ thống chất thải đạt chuẩn môi trường cho các bệnh viện chưa có.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN