(Baonghean) - Chính sách thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp vào nông nghiệp và nông thôn đã có nhưng  chưa đủ mạnh nên trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Từ đầu ra cho thủy hải sản

Là một trong những cơ sở thu gom, sơ chế hải sản khá lớn ở TX. Hoàng Mai, những tháng cao điểm, cơ sở Sơn Chi (xóm Mới, xã Quỳnh Dị) chế biến tới 50 - 60 tấn cá tươi, tương được 15 - 16 tấn cá thành phẩm. Thế nhưng tiêu thụ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chủ cơ sở - chị Chi cho biết: Tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương Trung Quốc, khá bấp bênh vì không có ký hợp đồng, không đặt hàng trước. Nhiều lúc họ không “ăn hàng”, cá phải bỏ vào kho chứa 5 - 10 ngày, có khi cả tháng, ảnh hưởng đến chất lượng, sau đó nhiều khi phải chấp nhận bán lỗ. Giá cả thì thất thường và cũng hoàn toàn theo báo giá của phía khách hàng; có khi đang mua giá cao, họ lại đột ngột ngừng mua thời gian dài...”.

images1425866_nn1.jpgChế biến cá cơm bán sang thị trường Trung Quốc tại Quỳnh Dị, TX.Hoàng Mai.

Huyện Quỳnh Lưu có sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm lên tới trên 50.000 tấn hải sản; ngoài ra khoảng 7.500 tấn sản phẩm nuôi trồng. Trong đó, 30 - 40% dành cho chế biến nước mắm, ruốc và cá khô, số ít dùng cấp đông, sản xuất bột cá và 50% còn lại tiêu thụ tươi trên thị trường. Trên địa bàn huyện có 2 điểm chế biến hải sản tập trung là khu Tân An (An Hòa) và Công ty chế biến thủy sản Quỳnh Lưu. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, trong khai thác, có khoảng 45% sản phẩm có giá trị cao có thể dùng xuất khẩu với các loại mực, cá hố và một số đặc sản như ốc hương, tôm… Tuy nhiên, trong vấn đề tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào tư thương đứng ra thu gom, chế biến, cấp đông đợi giá lên bán. Việc tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư vào rất khó khăn...

Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Số lượng  thủy, hải sản xuất khẩu không được nhiều, chỉ mới chiếm khoảng 15% tổng sản lượng và chủ yếu đang qua đường tiểu ngạch, phần lớn nội tiêu trong thị trường nội địa. Năm 2015, Nhà máy chế biến cá hộp xuất khẩu đi vào hoạt động giúp tiêu thụ khoảng 15% lượng cá, đưa sản lượng sản phẩm được chế biến lên khoảng 30%. Để có thể có nguồn tiêu thụ ổn định cho mặt hàng này, Nhà nước cần có cơ chế đủ mạnh để thu hút các nhà máy vào đứng chân trên địa bàn, thu gom sản phẩm dùng chế biến. Bởi đây là loại sản phẩm đặc thù, đòi hỏi tươi ngon nên càng dễ bị sức ép khi phụ thuộc vào tư thương.

Đến lúa gạo

Huyện Yên Thành mỗi năm sản xuất 155.000 - 160.000 tấn lúa. 1/3 trong số đó phục vụ cho nhu cầu lương thực của người dân và 2/3 sản lượng được đem ra thị trường tiêu thụ. Những năm gần đây, huyện đã rất tích cực trong kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nhưng hiện chỉ mới có 1.000 ha được liên kết, với khoảng 600 - 700 tấn lúa/năm kể cả lúa giống. Số còn lại gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống tư thương, thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”.

Thu hoạch lúa hè thu tại Xuân Hoà, Nam Đàn.

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành,  đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm lúa chất lượng vẫn chưa ổn định, có lúc còn rẻ và khó bán hơn cả lúa lai do người dân mua lúa lai về làm bún bánh, chế biến thức ăn, nhà nước cũng chỉ thu mua lúa lai trong chương trình thu mua lúa gạo dự trữ. Sản phẩm lúa chất lượng cũng chưa có số lượng lớn, tập trung.

Trên địa bàn Nghệ An hiện đã có một số doanh nghiệp đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tuy nhiên các doanh nghiệp ấy bao tiêu sản phẩm làm từ giống của họ là chính. Và, những doanh nghiệp thực sự chung tay với nông dân trong khâu tiêu thụ lúa gạo chưa nhiều.

Ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp cho biết: Từ các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc vụ xuân năm 2012, đến nay tại hầu hết các huyện đều đã có các CĐML do công ty liên kết sản xuất, với tổng diện tích gần 1.500 ha. Hàng năm, doanh nghiệp thu mua 500 - 600 tấn lúa cho nông dân. Dù đã ký hợp đồng với các HTX ngay từ đầu vụ sản xuất, nhưng đơn vị vẫn gặp tình trạng các tư thương vào cạnh tranh thu mua; mặt khác, nông dân cũng không chấp hành nghiêm túc hợp đồng đã được ký kết với đơn vị.

Những năm gần đây, khi lương thực đã dư thừa, nhu cầu thị trường đòi hỏi những loại gạo ngon, có chất lượng, Nghệ An đã thu hẹp dần diện tích lúa lai, chuyển dần sang gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao hoặc các loại giống lúa lai vừa có năng suất, vừa cho chất lượng gạo khá; phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 15.000 ha lúa hàng hóa. Tuy nhiên, cùng với nâng cao chất lượng lúa gạo, thì khâu được coi là mấu chốt là tạo mối liên kết tiêu thụ trực tiếp giữa nông dân với các doanh nghiệp, không qua tư thương lại còn nhiều bất cập. Tổng sản lượng lúa gạo tăng nhanh, nhưng chất lượng gạo lại thấp, chủ yếu sử dụng chế biến bia, rượu, thức ăn gia súc chứ hầu như chưa bán được cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp. Ngay tại thị trường Nghệ An, gạo của chúng ta vẫn luôn bị “lép vế” trước gạo Thái Lan và các tỉnh miền Nam. 

Ý kiến từ các địa phương, ngành chuyên môn và đại diện doanh nghiệp cho thấy, thực tế hiện nay rất ít doanh nghiệp mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp nói chung, tiêu thụ lúa gạo nói riêng. Nhà nước chưa có các chính sách đủ mạnh, trong khi đầu tư vào nông nghiệp hay gặp rủi ro. Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng ruộng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, số hộ dân trên một vùng sản xuất nhiều cùng thói quen canh tác chưa hiện đại cũng là những “rào cản” gây khó khăn, làm các doanh nghiệp không muốn đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Mỗi năm Nghệ An sản xuất trên 950.000 tấn lúa, trong đó 650.000 tấn tự tiêu dùng trong nội địa, còn lại 300 tấn đưa vào lưu thông trên thị trường. Sản lượng thủy, hải sản hàng năm đạt khoảng 150.000 tấn. Tuy nhiên, vẫn chưa có những liên kết đủ mạnh để đảm bảo đầu ra ổn định...

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN