(Baonghean) - Xã Tam Sơn nằm cuối cực Tây của huyện Anh Sơn. Đất lắm diện tích rừng trồng keo mét mà độ ẩm cũng đã tụt xuống khiến cho những vỉa sườn núi lồ lộ đất sỏi bạc phếch ngún khí nóng. Trên đường từ trụ sở xã đi xuống các mô hình trồng gấc hàng hóa ở các xóm, một phía bãi bờ ven sông Lam bát ngát ngô trổ cờ đã lác đác những vạt luống nhuốm cháy nắng. Việc tưới may chăng trông vào con đập Khe Cơi, nhưng hệ thống thủy lợi dẫn nước về lại chưa có. Hỏi còn có phương án khẩn cấp nào chăng? Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Sơn - ông Võ Văn Hùng lắc đầu: “Phải chờ ông trời mưa xuống thôi!”. Nắng hạn cỡ ấy, nên cả việc “nuôi” cho các mô hình chuyển đổi giống cây mới có thể chủ động tưới hơn cũng không khỏi khó khăn...
 
Khó kể lại hết sự vất vả của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng - thôn 1, xã Tam Sơn trong những tháng ngày cần mẫn chở đất bồi về để cải tạo diện tích đất vườn nhà trên đồi dốc cằn cỗi. Mấy sào vườn như thế những tưởng sẽ cho cây xanh, trái quả ngọt, nhưng những màu mỡ ấy qua mấy mùa mưa lại tuồn tuột chảy xuống khe lạch trả về cho sông Cả. Ông lại thuê máy ủi về san bằng lấp, chấp nhận vùi mất lớp đất bồi xuống dưới hàng mét. Trên chất đất nguyên thổ của mấy sào vườn ông trồng lạc, mía nhưng năng suất đạt được chẳng là bao. Khi đề án trồng cây gấc hàng hóa của huyện đầu năm 2014 này về chọn làm mô hình, ông khấp khởi hy vọng...
 
Đó là giống gấc lai đen. Khi đưa nó vào đất Anh Sơn, phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện đã tính toán đến các lợi ích: Khai thác được 5 đến 6 trăm ha đất trên 21 xã, thị của toàn huyện chưa có quy hoạch các loại cây trồng hiệu quả (đồng vệ, vườn đồi, vườn nhà, vườn rừng); dự kiến năm đầu (2014) đạt năng suất 12 tấn/ha, năm 2015 là 20 tấn, 2016 là 25 tấn... Đồng thời, tạo ra một mô hình liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, Công ty Nafoods (ở Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) sẽ chịu trách nhiệm cung ứng giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm ít nhất trong 3 năm cho bà con nông dân với giá thu mua ổn định 7.000 đồng/kg. Năm 2014 này, huyện mới chỉ đạo trồng 50 ha, nhưng bà con nông dân đã đăng ký trồng tới 70,7 ha. Tại xã Tam Sơn, chỉ mới trồng 2,5 ha trong số 8 ha có thể khai thác để trồng. Như mô hình của ông Nguyễn Văn Hùng trồng 63 khóm (190 bầu) trên hơn 1 sào đất vườn; bắt đầu trồng từ đầu tháng 4, nay gấc đã leo bám giàn...
 
Ông Hùng cho hay: "Để làm giàn, mua phân bón và công cải tạo đất, tính ra giá trị đầu tư cho vườn gấc tôi đã bỏ ra là hơn 20 triệu đồng. Trồng gấc chỉ vất vả khi đào hố cải tạo đất và làm giàn thôi. Cái vất chăm sóc, tưới tắm cho nó như thế này chẳng qua nắng hạn quá! Tôi đã phải mua hàng chục mét ống lợi tốt, ngày nào cũng phải bơm tưới đẫm, nhưng xem ra gấc phát triển vẫn chậm. Tình hình này, có thể gấc sẽ ra quả chậm ít nhất là 1 tháng, nên không biết năng suất sẽ ra sao?". - Thế nếu thời tiết, sâu bệnh thuận lợi thì nhà ông sẽ thu lãi từ gấc được bao nhiêu 1 năm? Nghe tôi hỏi thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã, lẩm nhẩm tính toán nhanh rồi xen vào: "Thuận lợi cả, thì như 63 khóm gấc nhà ông Hùng đây bắt đầu từ năm thứ 2 trở lên sẽ thu lãi hơn chục triệu đồng/năm. Có nghĩa với hơn 4 sào vườn này, nếu chuyển toàn bộ sang trồng gấc, sẽ cho lãi gần 5 chục triệu đồng/năm đấy!". - Nếu như thế, thì ổn. Nhưng Công ty Nafoods chỉ mới ký bao tiêu cho 3 năm, sau nữa thì sao? “À là 3 năm, chỉ riêng 63 khóm gấc này, nhà tôi cũng đã có lãi khoảng 25 triệu đồng. Có rủi ro nào thì cũng hòa vốn đầu tư ban đầu. Nông dân chúng tôi gì thì gì, không được cho đất nghỉ, cứ có cơ hội được hỗ trợ sản xuất  là nắm bắt cái đã, còn thua keo này lại bày keo khác thôi!” - chủ vườn Hùng cười khà bảo thế. Ông cho biết thêm, sắp tới ông sẽ trồng xen gừng và nghệ, vừa giữ ẩm cho đất, vừa có thêm nguồn thu.
 
Cũng thực hiện mô hình trồng gấc lai đen, cạnh nhà ông Hùng có hộ ông Đinh Viết Hồng có 50 khóm, trồng được 1 tháng bị úng thối phải thay thế bầu mới. Tìm hiểu ra, là do gặp đợt mưa lớn đầu tháng 5, đất vườn ông Hồng chưa thu hoạch lạc vụ xuân, nên nước không thoát được, gây úng cho gấc. Mấy nhà láng giềng trồng gấc lại rút được kinh nghiệm, cái giống này dù ưa ẩm nhưng đất thì phải luôn ráo. Và nắng hạn thế này, tưới không đủ nước thì ngọn nó cứ rũ ra, nhưng nếu không chú ý khơi luống cho nước dư thoát, thì cây mới trồng rũ hẳn luôn, còn đã lưu niên chưa chắc đã cho nhiều quả đạt chất lượng.
 
Khó khăn do nắng hạn kéo dài đang gây khó khăn cho các hộ trồng gấc theo đề án liên kết với Công ty Nafoods ở khắp các xã trồng nhiều như Tào Sơn (10 ha), Cẩm Sơn (7,5 ha, Phúc Sơn (7 ha)… Đó cũng là điều lo nghĩ hiện nay của huyện nếu như nay mai nhân rộng mô hình trồng gấc hàng hóa từ vườn nhà ra đất đồng vệ, nhất là đối với các địa phương hệ thống thủy lợi tưới chưa thuận lợi. Trong khi, ký kết của Nafoods là chỉ thu mua sảm phẩm gấc chín tự nhiên đạt chất lượng và có trọng lượng tối thiểu 0,8 kg/quả trở lên.
 
Song song với đề án trồng gấc hàng hóa, đầu năm nay huyện Anh Sơn cũng triển khai đề án trồng cây rễ hương ở xã Cao Sơn nằm bên đường Hồ Chí Minh. Thực tế ở xã này, bà con nông dân đã tự phát đưa cây rễ hương vào trồng thử trên đất đồi rừng nhiều năm nay. Trồng tự phát như thế, tính ra 1 ha sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 120 triệu đồng, gấp 10 lần trồng cây nguyên liệu giấy. Thực hiện đề án của huyện, Hội Nông dân xã triển khai về các chi hội với 10 hộ hội viên tham gia xây dựng mô hình trên quy mô 10 ha. Trồng theo quy trình của đề án, thì dự kiến 1 ha bình quân thu hoạch 6 tấn sản phẩm khô, trừ chi phí có lãi tới 147 triệu đồng sau 18 tháng kể từ khi bắt đầu trồng. Nếu trồng vụ thứ hai, thu nhập sẽ cao hơn vì giống người trồng đã tự túc được và không phải chi phí tiền cải tạo đất ban đầu (giống mua 15 triệu đồng và chi phí làm đất ban đầu 12 triệu đồng cho 1 ha). Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Sơn - ông Phan Sỹ Hương, cho biết: “Nếu 10 mô hình này thực hiện tốt các bước chăm sóc, thu hoạch theo quy trình hướng dẫn của đề án, thì sẽ cho tổng nguồn thu trong phạm vi đề án là gần 1,5 tỷ đồng vụ trồng thứ nhất. Những năm tiếp theo, hội sẽ tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên trồng ổn định diện tích  40 - 50 ha, cho thu nhập từ 5-6 tỷ đồng.
 
Ngoài diện tích chè ổn định thì hiện nay các diện tích cây nguyên liệu giấy đang thu hẹp dần nhường cho cây rễ hương. Trên nhiều triền rừng “da báo”, có rất nhiều diện tích rễ hương đang vươn khỏe xanh tốt mặc cho nắng hạn. Nhưng đối với các diện tích trồng theo đề án triển khai từ tháng 3/2014, thì lá cây đang lụi úa dần. Tại vườn rừng của hộ Nguyễn Công Phùng, xóm 1 Cao Sơn, 7 sào rễ hương trồng theo đề án đang trong tình trạng lụi úa như thế. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã thì củ cây rễ hương sống rất khỏe. Dù lá cây cháy tàn hết, nó cũng sẽ tiếp tục mọc mầm, nhưng việc ảnh hưởng đến năng suất thì đã hình dung rõ.  Bà vợ ông Phùng phân bua: “Trước khi trồng theo đề án, nhà tôi cũng trồng cây rễ hương rồi. Nhưng vừa trồng mà gặp hạn như thế này thì chưa bao giờ nên cũng không khỏi lo lắng”. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Hương trấn an: “Đảm bảo nó chịu được. Chỉ cần tiết trời dịu lại là nó nảy mầm mới đồng loạt cho mà xem”. Đoạn ông quay sang tôi nói tiếp: “Trồng rễ hương sản phẩm tiêu thụ khỏe. Người thu mua cứ đến tự thu hoạch lấy tại chỗ. Thúc đẩy phát triển cây rễ hương là xã hướng tới hình thành làng nghề truyền thống làm hương trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Nó sẽ là một cây góp phần cho xã giảm nghèo bền vững”…
 
Có thể nói, nếu không gặp kỳ nắng hạn kéo dài như thế này, thì các giống cây trồng được thực hiện theo đề án năm 2014 này của huyện Anh Sơn đều hứa hẹn hiệu quả theo như dự kiến. Vấn đề là các địa phương phải luôn bám sát, kịp thời động viên các mô hình thực hiện đúng quy trình chăm sóc. Cũng trong năm 2014 này, huyện triển khai đề án chăn nuôi bò hàng hóa nhằm đưa nghề chăn nuôi trâu bò hàng hóa trên địa bàn thành một nghề chính. Để thực hiện, 13 hộ tham gia mô hình trên toàn huyện được vay tổng nguồn vốn 2,6 tỷ đồng để mua vật nuôi, ngân sách huyện hỗ trợ lãi suất (300 triệu đồng); quy mô mỗi mô hình nuôi 20 con bò trở lên.
 
images986498_m__h_nh_chan_nu_i_b__h_ng_h_a_c_a__ng_l__ho_i_thanh___th_n_1_x__tam_son__anh_son_.jpgMô hình chăn nuôi bò hàng hóa của ông Lê Hoài Thanh - thôn 1, xã Tam Sơn (Anh Sơn).
 
Mô hình hộ ông Lê Hoài Thanh ở thôn 3, xã Tam Sơn nuôi 21 con bò lai sind, trong đó có 15 con bò sinh sản. Chúng tôi đến khi ông vừa lùa bò từ rừng về. Đàn bò hi hóp thở, chen chúc tránh nắng dưới tán cây vườn, vừa được chủ cho ăn thêm bột ngô, sắn trộn. Ông Thanh dựng một chuồng rộng trong vườn nhà và một sân bê tông rộng luôn được vệ sinh sạch sẽ. Ông bảo, các mô hình khác chăn nuôi như thế nào không biết, còn ông, bằng kinh nghiệm chú trọng nuôi bò cái, thu nhập hơn hẳn nuôi bò vỗ béo và nhất là bò cái vốn hiền lành, chỉ một người lùa đàn đi chăn thả là được, giảm nuôi nhốt để tận dụng ăn cỏ tự nhiên. Ông còn tính toán, cứ một con bò sinh sản 1 năm đẻ, bán bê cho thu  bình quân 15 triệu đồng/con bê, 1 năm với 15 con ông có 175 triệu đồng, chưa kể bò vỗ béo. Nhân công thì chỉ cần cần vợ chồng thằng con trai là đảm đương được. Ông chỉ lo mua bán bò và phòng dịch bệnh thôi… Nắng nóng thế này có ảnh hưởng đến chăn nuôi không? Ông Thanh cho biết: “Phải chịu khó bơm tắm cho bò, và nhất là vệ sinh chuồng cho sạch sẽ. Ngoài chăn thả cho ăn cỏ tự nhiên, thì phải tăng cường thêm cỏ voi (ông trồng tới 21 sào cỏ - PV) và tiếp thêm nước mỗi khi cho ăn bột ngô, sắn. Theo đánh giá của cán bộ Hội Nông dân huyện, nhờ chăm sóc hợp lý, mô hình chăn nuôi bò hang hóa theo đề án của ông Lê Hoài Thanh là một trong những mô hình phát triển tốt nhất...
 
Như thế, cùng với cây dưa và bí cho hiệu quả trên đồng đất Anh Sơn lâu nay, việc triển khai 3 đề án phát triển cây trồng, vật nuôi nói trên đầu  năm 2014, đang mở ra hướng chyển đổi cơ cấu giống nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa để giảm nghèo và làm giàu bền vững trong hộ hội viên nông dân, góp phần quan trọng cho địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới!
 
Đình Sâm