(Baonghean) - Thói quen thả rông trâu bò của đồng bào miền núi đã tạo cơ hội cho các đối tượng trộm cắp hoạt động, cùng với đó gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong vấn đề xác minh, tìm kiếm, giải quyết tranh chấp…
Xã Châu Cường được xác định là địa bàn “nóng” về tình trạng mất trộm trâu, bò trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Trước thực trạng đó, Công an huyện đã xác lập nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng về hành vi này. Mới đây, vào khoảng 2 giờ sáng 25/8, tổ công tác Công an huyện Quỳ Hợp và Công an xã Châu Cường đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực xóm Bản Nhã, xã Châu Cường thì phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn trộm trâu. Tổ công tác nhanh chóng triển khai lực lượng bao vây. Ông Vi Văn Hiếu, Trưởng Công an xã Châu Cường, cho biết: Sau khi truy đuổi, lực lượng bắt giữ đối tượng Dương Văn Thức (SN 1982, trú tại bản Khì, xã Châu Cường), đã từng có tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, bị tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu xử phạt 3 năm tù giam. Tổ công tác đã đưa con trâu bị bắt trộm và đối tượng về trụ sở UBND xã lập biên bản. Tại đây, Dương Văn Thức khai nhận: Lợi dụng bà con dân bản thường hay thả rông trâu bò trên rừng, ít khi đưa về chuồng nên y bắt trộm, bán lấy tiền tiêu xài…
Trước đó, Công an huyện Anh Sơn cũng đã xác lập, điều tra và khám phá thành công chuyên án trộm trâu, bò, xảy ra trên địa bàn 2 xã Bình Sơn, Hội Sơn... thu giữ 2 con bò vàng, trị giá gần 47 triệu đồng. Qua đấu tranh, đối tượng Trần Văn Hiếu (SN 1970, trú tại thôn 2, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn) khai nhận, 2 con bò trên do y trộm được của gia đình anh Hà Văn Ngọc (trú tại xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ) và đang trên đường đi tiêu thụ. Mở rộng điều tra, Công an huyện Anh Sơn đã tiến hành bắt 2 đối tượng là Nguyễn Sỹ Hùng (SN 1981, trú tại thôn 4, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn) và Nguyễn Xuân Thủy (SN 1969, trú tại thôn 11, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn), thu thêm 2 con trâu.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Sỹ Châu - Phó trưởng Công an huyện Anh Sơn cho biết: Lợi dụng tập quán thả rông gia súc của người dân miền núi và đặc điểm địa hình rừng núi dân cư thưa thớt, có nhiều đường tắt, nhiều khu vực vắng, nên các đối tượng xấu thường lợi dụng đêm tối, buổi trưa neo người thực hiện hành vi bắt trộm trâu bò tập kết tại những địa điểm vắng, đem theo cả xe tải chờ sẵn và móc ngoặc với các lò mổ để tiêu thụ…
Không chỉ dừng lại ở việc bắt trộm trâu, bò đưa đi nơi khác tiêu thụ, nhiều đối tượng còn lợi dụng thói quen chăn thả rông để bắt giữ trâu, bò của người khác đưa về nhà “thay hình đổi dạng” để biến thành trâu, bò của mình. Điều này khiến cho việc giải quyết tranh chấp rất khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp: Việc thả rông trâu, bò, nhất là tại các địa bàn giáp ranh rất dễ bị thất lạc, bị người lạ bắt giữ, thuần dưỡng và cố ý tạo ra những đặc điểm mới như dùng dao rạch tai, cắt đuôi, cưa sừng… để làm “chứng cứ” tranh cãi khi xảy ra tranh chấp, hòng cố ý chiếm đoạt tài sản. Vì trong các vụ án tranh chấp trâu bò thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Khi xét xử cơ quan chức năng thường phải căn cứ trên đặc điểm nhận dạng, lời khai của các bên chứ chưa có căn cứ khoa học nào. Chính vì vậy dễ dẫn đến tranh chấp kéo dài, phức tạp, dẫn đến kiện cáo nhiều lần.
Để ngăn chặn loại tội phạm này, nhất là tại một số địa bàn giáp biên, lực lượng công an cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp và vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tài sản. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Về phía người dân, những hộ nuôi trâu bò cần nêu cao ý thức tự bảo vệ tài sản, cảnh giác với các đối tượng lạ mặt xuất hiện ở địa phương; không thả rông trâu bò trên rừng mà phải có chỗ nuôi nhốt, khi chăn thả trâu bò, cần có người trông giữ cẩn thận, tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong trường hợp bị mất trộm cần nhanh chóng trình báo cho lực lượng công an hoặc chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
Quảng An