Clip: Q.A

Có mặt tại xã Châu Nhân, vùng nhiễm mặn nhất trên địa bàn huyện Hưng Nguyên thời gian qua trong sáng 11/7, P.V ghi nhận lượng nước tại sông Rum đã vượt qua mực nước chết so với thời điểm cách đây nửa tháng. Lúc thuỷ triều lên, mực nước ước khoảng 4 – 5 mét, dù chưa chạm đỉnh, tuy nhiên đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong suốt 1 tháng luôn trong tình trạng cạn kiệt, đáp ứng điều kiện cần là có nước để bơm tưới cho lúa.

Sông Rum hiện đã thoát mực nước chết sau khoảng 1 tháng cạn kiệt. Ảnh: Q.A

Điều khiến nhân dân và các cán bộ thuỷ lợi nơi đây vui mừng hơn cả là sau khoảng 1 tháng không thể bơm tưới do nước nhiễm mặn thì đến nay, nồng độ mặn của nước đã giảm xuống mức cho phép, hy vọng cứu được những cánh đồng lúa khô cằn, nứt nẻ lại được thắp lên.

Ông Phạm Thế Linh, Trạm trưởng Trạm bơm Hưng Châu cho biết: Những ngày trở lại đây, nồng độ mặn của nước sông Rum chúng tôi đo được là dưới 1 phần nghìn, đủ điều kiện để có thể bơm tưới cho cây trồng. Ngay khi có kết quả, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng túc trực, vận hành máy bơm liên tục khoảng 16 tiếng mỗi ngày để cứu lúa.

Nồng độ mặn đo được tại sông Rum hiện dưới 1 phần nghìn, đủ điều kiện bơm tưới. Ảnh: Q.A

Theo ông Châu, có 2 nguyên nhân khiến nồng độ mặn trong nước đã đạt đến mức cho phép, thứ nhất là trong những ngày qua đã có những trận mưa, dù không kéo dài nhưng lượng mưa lớn giúp hoà tan lượng mặn. Bên cạnh đó, nước trên thượng nguồn cũng đổ về nhiều hơn so với cách đây 1 tháng, giúp đẩy độ mặn tại vùng hạ du.

Đi dọc những cánh đồng tại xã Châu Nhân, mới tuần trước còn khô cằn, nứt nẻ, nay vết nứt vẫn còn tuy nhiên thay vào đó đã được phủ lớp nước có độ cao khoảng 10cm, đủ để cứu lúa. Bà Nguyễn Thị Vinh, xã Châu Nhân phấn khởi: “Cả tháng rồi mới thấy có nước để bơm cho lúa, nếu như không có nước thì chỉ khoảng vài ngày nắng nữa thôi, lúa sẽ chết khô, do đó, đây là nguồn “nước vàng” để cây tiếp tục sống, sinh trưởng trong thời gian tới.

Những cánh đồng khô cằn đã được phủ một lớp nước. Ảnh: Q.A

Được biết, Trạm bơm Hưng Châu có 6 tổ máy trục ngang và 8 tổ máy trục đứng, phụ trách tưới tiêu cho gần 1.000 ha lúa tại các xã ven đê huyện Hưng Nguyên. Hiện nay, các nhân viên trạm bơm đang tranh thủ từng giờ để bơm nước cứu lúa vì việc nồng độ mặn sụt giảm chỉ là nhất thời. Nếu thời gian tới tiếp tục nắng gắt, không có mưa thì việc nước tái nhiễm mặn hoàn toàn có thể xảy ra.

Tại huyện Nghi Lộc, suốt nửa tháng qua, công tác ngăn mặn, giữ ngọt để cứu lúa được địa phương đặt lên hàng đầu, đặc biệt là khoảng 1.000ha lúa lấy nước từ cầu Cấm xuống bara Nghi Quang. Những ngày qua đã xuất hiện các trận mưa tương đối lớn trên địa bàn, do đó, nồng độ mặn tại đây cũng đã trở về ngưỡng được cho phép, việc bơm tưới đang được xí nghiệp thuỷ lợi Nghi Lộc thực hiện liên tục.

Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công ty Thuỷ lợi Nam đắp đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh: Q.A

Ông Bùi Văn Hào - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuỷ lợi Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã huy động 4 máy múc, tiến hành nạo vét, đắp đập tạm để ngăn mặn xâm nhập sâu. Sau 4 ngày thi công thì đập cũng đã được hoàn thành, nước mặn từ bara Nghi Quang dồn lên không thể vượt qua đập. Những địa phương chưa bị nước mặn xâm nhập thì khẩn trương huy động lực lượng bơm tưới cho lúa. Do đây là đập tạm ngăn mặn nên thời điểm nước từ thượng nguồn đổ về lớn sẽ phải tiến hành tháo đập để ngăn ngập úng.

Mặc dù hiện nay nồng độ mặn đã giảm đến mức cho phép, tuy nhiên theo khuyến cáo của Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An, thời tiết nắng nóng trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục kéo dài, nếu không có các đợt mưa bổ sung thì khả năng tái nhiễm mặn vẫn hiện hữu. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra độ mặn, điều tiết nước hợp lý, đồng thời có các giải pháp để ngăn mặn lấn sâu vào nội đồng, kiên quyết không bơm tưới khi nước vượt quá nồng độ mặn cho phép.

Các trạm bơm tại huyện Nghi Lộc vận hành hết công suất để cứu lúa. Ảnh: Q.A

Vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An sẽ gieo trồng 81.000 ha lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn trong khi tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Nước trong các hồ đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lớn. Theo thống kê của Chi cục thuỷ lợi Nghệ An, toàn tỉnh đã có trên 10.000ha diện tích lúa có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn.