Đó là thổ lộ của nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 trong Chương trình "Tự hào Nông dân Việt" do Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức

Nuôi cá thu tiền tỉ mỗi năm

Là nữ nông dân được tôn vinh lần này, chị Hoàng Thị Chắp, dân tộc Dáy (sinh năm 1970 ở xã Cốc San huyện Bát Xát, Lào Cai) cảm thấy rất tự hào và cho biết sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh.

Chị Chắp chia sẻ, trong đợt mưa lớn, lũ quét vừa qua, gia đình chị bị thiệt hại lớn nhưng đã dần khôi phục sản xuất. Năm 2015, tổng doanh thu của gia đình chị đạt 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 700 triệu. “Khu vực Bát Xát là địa bàn còn nghèo nên có nhiều hộ khi đào ao, thả cá không có đủ vốn và thiếu con giống, kỹ thuật chăm sóc, tôi đều nhiệt tình tham gia hướng dẫn…”-chị Chắp cho hay.

images1714150_nong_dan_xuat_sac_ke_chuyen_tau_xe_hoi__cho_con_du_hoc_my_hinh_anh_1_5800169aa634f.jpgChị Hoàng Thị Chắp, dân tộc Dáy, xã Cốc San huyện Bát Xát, Lào Cai.

Nông dân đi xe hơi, cho con du học ở Mỹ

Ông Mai Xuân Hải (sinh năm 1967) chia sẻ, được tỉnh Quảng Bình bình chọn là người duy nhất đại diện cho những nông dân điển hình, tiên tiến của địa phương về thủ đô Hà Nội, ông cảm thấy rất tự hào. Ông Hải có trang trại tổng hợp diện tích 3ha, thế mạnh là nuôi lợn siêu nạc. Riêng lợn thịt, mỗi năm trang trại của ông Hải xuất  bán trên 100 tấn.

Ông Mai Xuân Hải ở thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Năm 2015, ông Hải cũng thành công từ nuôi gà, nuôi cá, nuôi lươn… với  lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. “Kinh tế của gia đình tôi bây giờ đã vững, có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang, có xe hơi đi lại thuận tiện, và có điều kiện cho con đi du học ở Mỹ…”-ông Hải thổ lộ.

Bỏ 1,5 tỷ cho nông dân vay không tính lãi

Vượt quãng đường hàng trăm km về Hà Nội, ông Đặng Quang  Hữu (sinh năm 1974, ở xã Hướng Hiệp huyện ĐakRông, Quảng Trị) chia sẻ, đây là lần thứ 2 được ra thăm thủ đô Hà Nội và cả 2 lần đều được vinh danh vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Chia sẻ với Dân Việt, ông Hữu cho biết gia đình ông chuyên trồng rừng.

Ông Đặng Quang Hữu, ở xã Hướng Hiệp huyện ĐakRông, Quảng Trị.

Hiện nay, gia đình ông có 21 ha trồng rừng, 7 ha trồng sắn. Năm 2015 doanh thu của gia đình ông đạt hơn 6 tỷ, “bỏ túi” 700 triệu. Gia đình ông Hữu giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hàng trăm lao động mùa vụ khác.

“Ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, hàng năm tôi vẫn dành 1,5 tỷ giúp đỡ người dân vay không tính lãi để đầu tư giống, phân bón trồng rừng, trồng sắn; sản phẩm được tôi bao tiêu…”, ông Hữu chia sẻ.

Người có nhiều trang trại vệ tinh

Ông Vũ Huy Quang, ở thôn Lương Môn xã Lương Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái.

Ông Vũ Huy Quang (sinh năm 1953 ở thôn Lương Môn xã Lương Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái) là một trong những nông dân xuất sắc lần này chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự vì công sức của mình bỏ ra không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp cho nhiều bà con nông dân xóa đói giảm nghèo, giờ lại được tôn vinh và nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016”.

Gia đình ông Quang có 6.000 m2 thường xuyên nuôi 4.000 con thỏ bán cho doanh nghiệp y dược Nhật Bản đóng tại Bắc Ninh. Cùng với hàng trăm trang trại “vệ tinh”, 1 năm ông Quang đang cung cấp cho đối tác của Nhật Bản khoảng 15.000 con thỏ. “Nuôi thỏ là 1 cách giảm nghèo hiệu quả. Hiện, nhu cầu về thỏ giống, thỏ thương phẩm rất lớn sẽ là điều kiện cho nông dân làm giàu”, ông Quang bày tỏ.

Theo danviet

TIN LIÊN QUAN