Huyện Nghi Lộc có trên 1.000 ha sản xuất lúa thuộc vùng sâu trũng, tập trung ở các xã nằm dọc kênh Nhà Lê như Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Đồng, Nghi Trung… Còn gần 1 tháng nữa lúa vụ xuân của mới vào vụ thu hoạch rộ, nhưng hiện nay, ở một số vùng sâu trũng tại các xã Nghi Đồng, Nghi Thạch… đã bắt đầu thu hoạch. 
bna__nghi_dong_anh_phu_huong4033747_152020.jpgNông dân xã Nghi Đồng (Nghi Lộc) ra đồng gặt lúa từ 3 ngày nay. Ảnh: Phú Hương

Xã Nghi Đồng có 392 ha lúa thì trong đó có 20 ha vùng hè thu chạy lụt, bà con đã ra đồng gặt từ 3 ngày nay. Có 3 sào cấy nếp và lúa VTNA6, chỉ trong 1 ngày gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm 1 đã gặt xong. “Năng suất đạt 3,2 tạ/sào, cao hơn năm ngoái nhờ sâu bệnh ít, nước tưới đầy đủ”, ông Hùng phấn khởi cho hay.

Ông Trần Bá Chính - cán bộ nông nghiệp xã Nghi Đồng cho biết: Xã nằm cuối hệ thống bara Nghi Quang, mỗi khi có mưa lụt, nguồn nước từ nhiều nơi đổ về nên năm nào bà con cũng phải thu hoạch sớm vụ xuân để đảm bảo gieo cấy lúa hè thu gặt xong trước ngày 30/8. Vụ xuân năm nay, năng suất lúa dự kiến đạt 62- 63 tạ/ha. 

Lúa đã được thu hoạch tại xóm ngoài đê xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương

Tại huyện Hưng Nguyên, một số xã vùng sâu trũng nằm ven sông Lam cũng đã bắt đầu vào vụ. Gia đình ông Võ Văn Thành ở xóm 1, xã Châu Nhân có 4 sào lúa đã bắt đầu gặt từ ngày 30/4, năng suất đạt 2,4- 2,5 tạ/sào.

Là vùng ngoài đê, năm nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lụt, nên từ cách đây 10 ngày ông Thành đã bắc mạ. “Vài ngày nữa, lúa gặt xong là tôi làm đất luôn để cấy vụ hè thu, đảm bảo thu hoạch trước ngày 25/8”, ông Thành cho biết. 

Mạ cho vụ hè thu cũng đã được gieo từ ngày 20/4. Ảnh: Phú Hương

Nghệ An có gần 7.000 ha lúa cấy trà đầu, trổ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 dương lịch, hiện đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tại thời tiết đang diễn biến phức tạp, giai đoạn chuyển mùa, chuẩn bị đến tiết tiểu mãn thường có mưa lụt, nên bà con cần khẩn trương ra đồng thu hoạch khi lúa chín khoảng 75- 80% theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhất là những vùng sâu trũng.

“Năm nay là năm nhuận nên những diện tích hiện đã bắt đầu thu hoạch, bà con nên để đất nghỉ từ 7- 10 ngày sau khi gặt, có thời gian phân hủy gốc rơm rạ, giảm ngộ độc hữu cơ, đặc biệt ở những chân ruộng thấp trũng, đất hẩu”, ông Lập khuyến cáo.