(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V:Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, khuyến khích phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và đạt được kết quả khả quan. Đồng chí có thể đánh giá những kết quả của phong trào giai đoạn (2012 – 2016) trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động đã thực sự đi vào lòng dân và ngày càng được phát triển sâu rộng, góp phần to lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đồng thời góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho hội viên nông dân, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

images1857437_bna_58d3cf6632927.jpgMô hình trồng nấm của ông Nguyễn Văn Hạnh ở xã Sơn Thành (Yên Thành). Ảnh: Quỳnh Lan

Tính đến 31/12/2016, toàn tỉnh có hơn 146.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó cấp Trung ương 556 hộ, cấp tỉnh hơn 4.000 hộ, cấp huyện 16.000 hộ và hơn 125.000 hộ cấp cơ sở. Qua thực tế phát triển hàng năm cho thấy, chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn với vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Hiện nay đã có hơn 21.000 hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; khoảng 463 hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Từ phong trào đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hợp tác theo hướng liên kết bền vững có hiệu quả, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành xây dựng được khoảng 158.000 mô hình phát triển kinh tế hộ; trong đó hơn 32.000 mô hình chăn nuôi, 41.000 mô hình trồng trọt, 36.000 mô hình thương mại, dịch vụ và hơn 48.000 mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp khác. Nhìn chung, các mô hình sản xuất, kinh doanh đều đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động, góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông, lâm, thủy sản tỉnh chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; góp phần tạo các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh như: Nước mắm Vạn Phần, Cam Vinh, tương Nam Đàn, gạo tím thảo dược Vĩnh Hoà,…

Nuôi tôm trên cát ở Diễn Châu. Ảnh Văn Hải.

Phát huy nguồn lực từ những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, với tinh thần “tương thân tương ái”, hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm tại chỗ, giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

PV:Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đóng góp như thế nào trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị:Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn; thông qua phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; đóng góp công sức và vật chất vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường nông thôn. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích cực hiến đất và góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn.

Điển hình như hộ ông Hồ Xuân Tùng ở xóm 1, xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu) hiến 200m2 đất ở và 3,5 triệu đồng để mở đường xây dựng nông thôn mới; hộ ông Hồ Hữu Quang ở xóm 8, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) hỗ trợ 18 triệu đồng để xây cầu dân sinh trên địa bàn xóm; hộ ông Trần Đình Thanh ở xóm 2, xã Thanh Văn (Thanh Chương) hiến 441 m2 đất ở và đất ruộng; ngoài ra còn rất nhiều hộ nông dân khác ở các địa phương trong tỉnh đều tự nguyện hiến đất, ngày công, đóng góp tiền, vật liệu để xây dựng nông thôn mới...

Cơ sở chế biến chè của anh Lê Ngọc Phúc, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Đức Anh

Tính đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả tỉnh đóng góp được gần 5 nghìn tỷ đồng; hiến đất hơn 5 triệu m2; vận động nông dân tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công tương đương với 465,2 tỷ đồng. Thông qua phong trào, các cấp Hội cũng tuyên truyền vận động hội viên nông dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức hỗ trợ, đã giúp cho hơn 46.000 hộ nông dân nghèo vay với số tiền trên 125.405 triệu đồng không tính lãi, 18.292 cây, con giống, các loại; hàng chục ngàn ngày công lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn hộ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Từ những kết quả đạt được của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần quan trọng cùng với cả tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả tính đến nay toàn tỉnh đã có 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Thái Hòa là đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Vinh được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

PV:Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn tiếp theo cần chú trọng những nội dung, giải pháp nào, thưa đồng chí? 

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị:Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân.

Thứ hai, đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào phát triển; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Thứ ba, tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường.

Thứ tư, đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu, giảm hộ nghèo.

Thứ năm, tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với mỗi địa phương. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ có hiệu quả đối với các hộ nghèo. 

PV:Cảm ơn đồng chí!

Quỳnh Lan 

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN