(Baonghean.vn) - Trận Mưa rào kéo dài từ 27/7 đến sáng nay đã “cứu” cho hàng ngàn ha lúa hè thu đang thời kỳ chuẩn bị trổ đòng của bà con nông dân nhiều huyện trên địa bàn tỉnh khỏi nguy cơ chết héo vì nắng hạn.
Vụ Hè Thu năm nay, Nghĩa Đàn gieo cấy 3.150 héc ta lúa, có 350 héc ta diện tích đất lúa không gieo cấy được vì thiếu nước, hồ đập cạn ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Lâm...
Trong đợt nắng nóng vừa qua, đã có khoảng 250 héc ta lúa đã gieo cấy có nguy cơ thiếu nước, tập trung ở các vùng có điều kiện thủy lợi khó khăn như ở một số vùng của các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa An, Nghĩa Đức, Nghĩa Hưng, Nghĩa Lộc…..
Cơn mưa ngày hôm qua khiến cho bà con nông dân rất vui mừng. Chị Trần Thị Lan ở xã Nghĩa Trung chia sẻ: Nhà chị có hơn 3 sào lúa. Mấy ngày trước nắng hạn đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Đất ruộng đã xuất hiện vết nứt. Đi thăm mà xót xa lắm. Vì ruộng xa ao hồ, thủy lợi khó đến nơi nên cơn mưa kéo dài đã cung cấp nước kịp thời cho cây lúa.
Tranh thủ có nước, bà con nông dân Nghĩa Đàn cũng ra đồng nhổ cỏ dại, chăm sóc lúa. Đặc biệt, nắng nóng kéo dài sau đó có mưa nên nguy cơ sâu bệnh rất cao. Dưới sự hướng dẫn cán bộ nông nghiệp, bà con cần chủ động phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa như sâu cuốn lá, đạo ôn; kịp thời phun thuốc những diện tích có khả năng bị cao để không ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.
Thái Trường
Tại Hưng Nguyên, ông Nguyễn Thanh Sơn cán bộ nông nghiệp xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên cho biết: Vụ hè thu năm nay toàn xã mới chỉ gieo cấy được 206/381 ha lúa. Hiện vẫn còn 175 ha chưa có nước gieo cấy, trong đó hơn 100 ha phụ thuộc nguồn nước tưới đập Thạch Tiền phải chuyển sang trồng màu vì đập không có nước. Nắng hạn kéo dài suốt thời gian qua làm cho nước nguồn tại kênh gai cạn kiệt, hàng trặm ha lúa không có nước tưới; trong đó có 16 ha bị khô héo.
Trận mưa ngày 27 tháng 7 đã giúp diện tích lúa héo khô đứng trước nguy cơ chết đã được phục hồi. Ngoài ra, 86/216 ha chanh bị héo khô cũng đã được cứu nhờ trận mưa hôm qua.Tranh thủ trời mưa, ruộng có nước, sáng nay bà con nông dân đã ra đồng tỉa dặm, bón phân cho lúa”.
Nắng hạn kéo dài, hệ thống, kênh dẫn trên địa bàn huyện Hưng Nguyên khô cạn, hàng chục trạm bơm treo máy. Tính chung toàn huyện,hơn 1.500 ha lúa đã gieo cấy thiếu nước dưỡng do hạn nặng, trong đó 800 ha khô héo có nguy cơ bị chết. Nhờ có những cơn mưa ngày hôm qua mà nhiều diện tích lúa được cứu. Các trạm bơm trên các hệ thống sông đào, các kênh trên địa bàn huyện Hưng Nguên đều đã có nước nguồn. Vụ hè thu 2016 Hưng Nguyên gieo cấy 4646 ha lúa, tranh thủ trời mưa, nông dân đang tập trung ra đồng lấy nước vào các chân ruộng, đồng thời đắp bờ để tranh thất thoát nước.
Thanh Tâm
Tại Quỳnh Lưu, nắng nóng kéo dài trong suốt nhiều tháng qua khiến tình hình sản xuất vụ hè thu của bà con gặp nhiều khó khăn, các hồ đập tích nước đều cạn đáy không đủ cấp nước cho sản xuất. Nhiều xã miền núi như Quỳnh Châu, Tân Sơn, Quỳnh Thắng, Ngọc Sơn.. đều gieo cấy muộn vì không có nước, nhiều diện tích được chuyển đổi sang trồng cây rau màu.
Sau khi cơn mưa ngày 27/7, ông Hồ Văn Khiên ở xóm 2, xã Quỳnh Yên lập tức ra đồng để kiểm tra hơn 4 sào lúa của gia đình. Cơn “mưa vàng” trong 2 ngày đã giải nhiệt cho toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông, đặc biệt dịch sâu cuốn lá đã đẩy lùi. Ông Khiên cho biết: “ Những ngày nắng nóng, hơn 4 sào lúa BC 15 cấy xong đều gặp khô hạn, trận mưa vừa rồi đã làm mát và ẩm đất, cây lúa xanh tươi hơn, sâu cuốn lá cũng bị chết, giảm 40% dịch sâu bệnh”.
Kết thúc vụ hè thu năm 2016, toàn huyện Quỳnh Lưu đã gieo cấy trên 7.300 ha lúa, trong đó có gần 1.500 ha có khả năng thiếu nước, dịch bệnh trên cây lúa xuất hiện. Trong trận mưa to kéo dài 2 ngày 27- 28/7 đã giúp 1.500 ha lúa thời kỳ chuẩn bị làm đòng trên địa bàn huyện, đang chống chọi với khô hạn được giải nhiệt.
Bà Nguyễn Thị Hương- Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Vụ hè thu này, thời tiết nắng nóng đã tạo điều kiện để sâu bệnh phát triển, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa. Trước thực tế đó, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 50% kinh phí cho các xã để phun trừ sâu bệnh cho 5.700 ha lúa; khoảng 300 ha do người dân tự phun phòng trừ. Tuy nhiên, dịch sâu vẫn giảm nhẹ, nhiều diện tích lúa bị sâu cuốn lá gây hại trên 70%. Trận mưa trong suốt 2 ngày 27 và 28 có tác động lớn đến sự phát triển của sâu bệnh, làm giảm mật độ sinh trưởng. Nếu thời gian tới sẽ tiếp tục mưa, sâu bệnh sẽ được khổng chế, toàn bộ diện tích lúa sâu bệnh sẽ sinh trưởng bình thường.
Việt Hùng
Trên địa bàn huyện Anh Sơn có mưa giông rải rác, một số địa phương mưa khá to. Đây được coi là những cơn mưa “vàng” làm giảm nhiệt độ nóng bức kéo dài, giải cơn khát cho đồng ruộng đặc biệt là tình trạng thiếu nước, khô hạn cho hàng trăm hec ta lúa trong thời kỳ làm đòng.
Sau cơn mưa sáng ngày 28/7 vừa ngớt, trên cánh đồng thôn 4, xã Thạch Sơn, gia đình bà Nguyễn Thị Năm tranh thủ ra thăm đồng, làm cỏ và đón nước cho lúa. Bà Năm phấn khởi nói: Vụ hè thu này, gia đình tôi cấy 2 sào lúa NA2, nhưng do nhiều ngày không có mưa, kênh mương thì cạn kiệt nên ruộng nứt nẻ, lúa thì đang trong giai đọan làm đòng nên rất lo lắng. Cơn mưa này rất quý giá, tích được nước cho lúa, giúp lúa phát triển trở lại, hiện nay bà Năm đang đón nước vào ruộng cho lúa làm đòng.
Tranh thủ trời mưa, nông dân đang tập trung ra đồng lấy nước vào các chân ruộng, đồng thời đắp bờ để tranh thất thoát nước phục vụ lúa làm đòng bởi đây là thời kỳ cây lúa rất cần nước tưới để tích lúa dinh dưỡng.
Vụ hè thu năm 2016, Anh Sơn gieo cấy 2.400 ha lúa, nhưng do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, mực nước trên các hồ đập bị khô hạn, nhiều nơi đã xuống thấp như hồ Khe Nậy, Ruộng Xối, Khe Chung...
Ông Lê văn Đàn- GĐ công ty TNHH MTV thủy lợi Tây Nam Nghệ An cho biết: Đề khắc phục tình hình hạn hán, xí nghiệp thủy lợi Anh Sơn đã khắc phục sửa chữa 2 trạm bơm chống hạn Vĩnh Sơn và Lạng Sơn; khắc phục sửa chữa 6 bộ máy bơm dầu dã chiến sẵn sàng bơm nước từ lòng hồ. Tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ thửa, tu sửa công trình phục vụ tưới, be bờ giữ nước tại ruộng nhưng nước nguồn cạn gây khó khăn cho việc bơm tưới. Trận mưa chiều ngày 27/7 vừa qua đã cải thiện tình hình. Hiện nay cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ bông thì cơn mưa tối qua là cực kỳ quý giá. Tranh thủ có nguồn nước sau mưa, xí nghiệp cũng đang chỉ đạo các trạm ngừng bơm để dành nước và điện phục vụ vào thời gian nắng hạn sắp tới.”
Thái Hiền
Tại Nghi Lộc, cơn mưa kéo dài từ ngày 27/7 đã cứu nguy cho hàng ngàn héc ta diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn Nghi Lộc vốn đang khô hạn. Ngay sau khi có đủ nguồn nước sản xuất, nông dân địa phương nhanh chóng ra đồng chăm sóc gần 5.000ha lúa hè thu mùa năm 2016.
Những ngày qua, Ông Võ Phan Tuyên - xóm 4 xã Nghi Hoa đứng ngồi không yên vì 7 sào ruộng của gia đình chưa chăm sóc được do không có nước. Những cơn mưa "giải hạn" vừa qua cộng với nguồn nước được bơm ở Sông Cấm về đã xóa tan nỗi lo lắng của gia đình ông. Hôm nay, ruộng đã đầy nước, ông gấp rút huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình tiến hành chăm sóc cho kịp mùa vụ. Ông Tuyên vui mừng nói: “Mưa đã về, nước đã có, chúng tôi bắt đầu nhổ cỏ, bón thúc và tỉa dặm. Bà con nông dân ở đây cũng tiến hành chăm sóc lúa. Vụ mùa này gia đình tôi sản xuất 7 sào ruộng, tôi rất mừng bởi trận mưa hôm qua đã cứu nguy cho diện tích lúa vốn lâu nay khô hạn”.
Sau khi UBND huyện Nghi Lộc có chủ trương ngăn dòng Sông Cấm để tích nước, bà con nông dân ở khu vực vùng nông giang gồm các xã Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Phương, Nghi Thuận, Nghi Hoa đã tranh thủ đưa thêm nguồn nước sau mưa vào bổ sung cho mảnh ruộng đang thời điểm cần được chăm sóc.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết: " Trận mưa giông trong ngày hôm qua đã cải thiện tình hình hạn hán trên địa bàn huyện. Hiện nay cây lúa hè thu đang ở giai đoạn phân hóa làm đòng chuẩn bị trổ bông thì đợt mưa vàng này rất quý giá, do vậy ngành tuyên truyền bà con nông dân tập trung ra đồng đắp bờ giữ nước, bón phân, tỉa dặm để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây, góp phần giành một vụ mùa thắng lợi”.
Hồng Vinh - Thu Hiền
(Đài Nghi Lộc)