Vụ cam Tết vừa qua, gia đình anh Phan Văn Ngọc (xóm 1, Khai Sơn, Anh Sơn) xuất bán ra thị trường 15 tấn cam bù. Phần lớn cam được thương lái đặt mua tại vườn, giá cả ổn định nên trừ chi phí, 1.000 gốc cam cũng mang lại cho gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Sau kỳ nghỉ Tết, hiện, anh cùng vợ và thuê thêm 3 nhân công để chăm sóc vườn cam của gia đình.
“Sau 1 năm tập trung cho ra hoa, quả, nuôi quả và thu hoạch thì đây là thời điểm quan trọng chăm sóc để cây cam hồi phục. Việc chăm sóc sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng cam. Do đó, ngoài tỉa cành, tạo tán thì tập trung làm cỏ, xới gốc để rễ phát triển, bón phân để cây sinh trưởng tốt. Để kịp xong 1.000 gốc cam trước khi cây ra hoa, tạo quả, tôi phải thuê thêm 3 nhân công làm cùng”, anh Ngọc chia sẻ.
Xuất bán gần 20 tấn cam V2 lòng vàng chín muộn đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022, gia đình anh Trần Điển Vi, một hộ dân trồng cam ở xã Thanh Đức (Thanh Chương) thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Cam sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc và đã có thương hiệu nên sản phẩm cam của trang trại anh được thị trường ưa chuộng, bán được giá, tiêu thụ nhanh.
Hiện, anh đang thuê 12 nhân công cùng các loại máy móc chuyên dụng tập trung chăm sóc cây cam. Anh Vi cho biết: “Trên diện tích 6ha cam trồng theo hướng hữu cơ. Việc chăm sóc cam sau thu hoạch hết sức quan trọng, giúp cây cam phục hồi và sinh trưởng. Trước Tết, chúng tôi đã ủ phân hữu cơ vi sinh để sau Tết bón cho cam; phun chế phẩm, cắt tỉa cành, xới gốc... Giai đoạn này, cam bắt đầu đơm nụ, ra hoa nên phải tập trung đẩy mạnh chăm sóc theo đúng quy trình”.
Trên các vườn đồi ở Thanh Đức, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, Thanh Nho, Thanh Mai… bà con đang tất bật với việc chăm sóc cây ăn quả sau vụ thu hoạch Tết.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương cho biết: “Hiện, cây ăn quả được coi là cây trồng chủ lực của địa phương, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân các vùng thượng huyện. Ngoài việc mở rộng diện tích, quy hoạch vùng trồng, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các vùng ăn quả phù hợp với đặc thù của từng địa phương thì việc kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho cây ăn quả cũng được huyện quan tâm.
Thời điểm này, cán bộ của phòng được phân công bám sát từng địa phương để kịp thời hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chuyên môn trong chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch”.
Toàn tỉnh hiện có gần 23.000 ha cây ăn quả các loại. Ghi nhận thực tế, sau những ngày vui Xuân đón Tết, các nhà vườn bắt tay ngay vào việc chăm sóc, tưới bón cho vườn cây ăn quả.
Nhằm hướng tới một mùa vụ đạt năng suất và chất lượng cao, phòng nông nghiệp các huyện cử cán bộ chuyên môn bám sát từng địa phương nhằm hướng dẫn bà con áp dụng linh hoạt các biện pháp sinh học để chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch. Đồng thời, khuyến cáo bà con thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phòng ngừa các yếu tố gây hại cho cây trồng. Khi cây xuất hiện sâu bệnh cần sử dụng các loại thuốc chuyên dùng theo hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo an toàn.
Sau thời kỳ mang trái dịp Tết, vườn cây thường bị suy yếu cần được chăm sóc đúng cách để cây mau hồi phục, chuẩn bị cho vụ trái tiếp theo đạt kết quả tốt.
Những việc cần làm như sau: Tỉa cành, tạo tán để kích thích cây ra chồi mới tập trung, khỏe mạnh, giúp tán cây thông thoáng, nhận đầy đủ ánh sáng và gió; Bón vôi nhằm làm đất giảm chua, hạn chế ngộ độc sắt, nhôm và mangan cho cây. Canxi trong vôi giúp đất phục hồi cấu trúc, ít bị nén dễ thấm nước. Ngoài ra, vôi còn ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ và cung cấp dưỡng chất can-xi cho cây; Bón phân hữu cơ làm gia tăng hiệu quả sử dụng phân hóa học, cải thiện cấu trúc của đất, giữ nước và làm tăng một số vi sinh vật có lợi trong đất; kích thích cây trồng phát triển; Bón phân vô cơ theo 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn sau thu hoạch; giai đoạn cây ra hoa và giai đoạn cây tạo trái, phát triển theo đúng tỷ lệ.