Mặc dù nhiều nhà đã thu hoạch dưa theo quan niệm “nhanh hơn là thắng”, nhưng gia đình ông Nguyễn Đình Dư ở xóm 5, xã Nam Tân vẫn chờ dưa chín rộ mới bắt đầu thu hái. Ông Dư cho biết, mùa này gia đình ông làm hơn 4 sào dưa chính vụ. Trên thị trường đang có nhiều loại hoa quả nên đầu ra của dưa hơi khó khăn.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở xóm 7 - một trong những hộ dân trồng dưa nhiều ở vùng đất bãi sông Lam nên việc tưới tiêu tương đối thuận lợi, sản lượng dưa tương đối khá, khoảng 1,8 tấn /sào.
Để kéo dài thời gian thu hoạch, người dân đã trồng dưa thành nhiều lứa: dưa sớm, dưa chính vụ, dưa muộn. Mùa dưa ở đây kéo dài từ đầu tháng 3 cho đến hết tháng 7. Việc trồng dưa theo lứa nhằm tạo điều kiện cho người dân trong việc chăm bón, thu hái và tiêu thụ sản phẩm, tránh hiện tượng “hái dồn, bán dập”.
Thế nhưng theo bà con, dưa năm nay “vừa mất mùa, vừa rớt giá”, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Chị Trần Thị Loan (47 tuổi) ở xóm 5 cho hay: Cùng thời điểm này năm ngoái, đã có rất nhiều xe ô tô đến mua dưa tại ruộng, để đưa đi tiêu thụ ở xa, nhưng năm nay tư thương đến mua quá ít. Do đó, bà con phải tự xoay xở đầu ra, chở dưa ra Quốc lộ 46, Tỉnh lộ 15 và đưa đi các chợ quanh vùng để tiêu thụ.
Những ngày này về Nam Tân, đi qua cầu Nam Đàn đã thấy những xe dưa nối dài trên tỉnh lộ 15, chờ bán cho khách qua đường. Giá dưa đẹp giao động từ 5 - 6 nghìn đồng/kg (sụt hơn năm ngoái 2 - 3 nghìn đồng). Bà Trần Thị Xuân (62 tuổi) – một người dân đang bán dưa ven đường chia sẻ: Năm nay, tuy dưa không được giá, bán hơi khó, nhưng cố gắng cũng kiếm được 5 - triệu đồng/sào.