Ông Quang Phương, ở bản Yên Hòa, xã Lạng Khê nuôi 3 bò. Là người có kinh nghiệm nuôi trâu, bò nhiều năm nên những ngày mưa rét này gia đình ông đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm giữ ấm cho vật nuôi. Cùng với việc dự trữ nguồn thức ăn như rơm, cây chuối, cây ngô…, gia đình còn trồng thêm 3 sào cỏ voi để bổ sung thức ăn cho bò. Bên cạnh đó, những ngày rét sâu thì đốt lửa sưởi ấm, tuân thủ tiêm phòng định kỳ cho bò theo hướng dẫn của trạm thú y…
Ông Quang Phương chia sẻ:“Trước đây, trâu, bò thường thả rông trong rừng dù có mưa, rét. Nhưng giờ thì khác rồi, mưa rét xuống là chúng tôi phải tìm cách bảo vệ vật nuôi, giữ chúng ở chuồng trại và thường xuyên che chắn kỹ, đốt lửa cho vật nuôi sưởi…”.
Trước đây, vào những ngày nắng ấm, đàn gia súc gồm 6 con trâu của gia đình bà Vi Thị Tít ở bản Lục Sơn, xã Lục Dạ thường được chăn thả trên đồi, núi. Song những ngày gần đây, khi nhiệt độ giảm sâu đàn trâu đã được bà nhốt ở chuồng, che chắn bạt kín đáo, trâu được ăn cả thức ăn thô và tinh bột để tăng cường sức đề kháng.
Bà Tít chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi trâu đã lâu, ngày thường phải thả cách nhà 2 cây số, mấy hôm nay trời mưa rét được nhốt ở nhà. Trước đây trâu thả trên rừng núi, nên chúng thường bị lạnh, bị đói thậm chí bị chết. Những người nông dân như chúng tôi con trâu là gia sản lớn nên phải chống rét cho nó kỹ càng”.
Cả xã Lục Dạ có trên 2.000 con trâu, bò. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay xã đã triển khai tuyên truyền đến tận các thôn, bản nâng cao ý thức phòng, chống rét cho đàn gia súc. Hiện nay, xã không còn trâu, bò thả rông, người dân đã biết làm chuồng trại che chắn, ấm trong mùa Đông, thoáng trong mùa Hè. Những lúc mưa rét trâu, bò được nhốt ở nhà, chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn và đốt lửa sưởi ấm.
Trong những ngày này, nhiệt độ ở Con Cuông có lúc giảm sâu dưới 10 độ C, huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân biện pháp che chắn chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn bảo vệ đàn gia súc.