Những ngày này, trên các cánh đồng ở vùng Cồn Kè tấp nập người dân thu hoạch khoai lang trên diện tích đất ruộng và đất vệ. Gia đình bà Phạm Thị Thanh ở thôn 2 năm nay đưa vào trồng 2 sào trên đất ruộng. Bà Thanh cho biết: Trồng khoai lang lấy củ rất khỏe, ít tốn công và ít chi phí vật tư hơn so với trồng ngô, lúa; chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai, không cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt giống khoai ở đây được bà con tự để giống có đặc điểm thân trắng, vỏ củ màu đỏ, ruột màu trắng, rất bở và ngọt. Chỉ sau 4 tháng trồng, 1 sào khoai lang cho năng suất đạt 6-7 tạ/sào, với giá hiện tại từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cho gia đình bà thu nhập 4-5 triệu đồng/sào.
Thu hoạch khoai ở ruộng kề bên, chị Nguyễn Thị Như chia sẻ: Năm nay gia đình chị trồng 3 sào khoai, kể từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch thời tiết thuận lợi nên khoai sinh trưởng phát triển tốt. Đây là loại cây truyền thống của vùng đất Cồn Kè này, với ưu điểm đầu tư thấp, chịu hạn tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa khoai lang thích hợp với đồng đất và khí hậu nơi đây nên cho củ sai và to, đặc biệt là có ưu điểm củ khoai bở, thơm ngon...
Những năm gần đây thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, bà con nông dân xã Phúc Sơn đã chuyển đổi những diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng khoai lang và đã mang lại hiệu quả hơn hẳn so với các cây màu khác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Riêng vụ trồng khoai lang năm nay, toàn xã Phúc Sơn có 8 ha tập trung ở vùng Cồn Kè thuộc thôn 2, thôn 3 và thôn 4. Hộ trồng nhiều 5 sào, hộ ít thì 1- 2 sào. Tính ra trung bình 1 ha các hộ thu về khoảng 80 triệu đồng.
Từ hiệu quả cây khoai lang mang lại, thời gian tới, xã sẽ quan tâm tới việc duy trì và mở rộng diện tích trồng khoai lang nhằm thay thế những cây trồng kém hiệu quả, giúp bà con nông dân có thu nhập cao, cải thiện đời sống./.