(Baonghean) - Chiếc nón lá từ bao đời nay đã gần gũi, quen thuộc đối với người phụ nữ Việt, chẳng phân biệt giàu - nghèo, hèn - sang, từ người nông dân đến các thiếu nữ nơi đô thị. Trải qua thời gian và đổi thay của đời sống, những chiếc nón lá vẫn bền bỉ theo các bà, các mẹ, không chỉ che mưa, che nắng mà còn tạo nên cái "duyên" cho người phụ nữ và trở thành nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Tuy không yêu kiều như nón bài thơ xứ Huế, nhưng nón lá Đồng Văn xứ Nghệ -cũng sáng trắng, bền đẹp, mang nét bình dị đằm thắm của con người xứ Nghệ …

Chị Hoàng Thị Hường, ở làng Thượng Quánh (xã Đồng Văn - Thanh Chương) hoàn thiện sản phẩm nón lá.
Chị Hoàng Thị Hường, ở làng Thượng Quánh (xã Đồng Văn - Thanh Chương) hoàn thiện sản phẩm nón lá.

Từ Quốc lộ 46, men theo con đê uốn lượn bên bờ sông Lam khoảng 3 km, chúng tôi tìm về làng Thượng Quánh (xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương), nơi nổi tiếng với nghề làm nón có đến cả trăm năm nay. Tuy không nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng cũng xôn xao bởi kẻ mua người bán các vật liệu làm nón và những chồng nón trắng nõn nà. Hỏi chuyện làm nghề dường như phụ nữ trong làng ai cũng biết, nhưng không mấy ai rõ đã có từ năm nào và tổ nghề là ai. Những bậc cao niên trong làng cũng chỉ biết nghề này xưa kia thịnh lắm, từ thuở tóc còn để chỏm đã được nhìn thấy hằng ngày bà, mẹ cặm cụi chằm nón...

Tròn 70 năm gắn bó với những lớp lá trắng sáng, những đường kim thoăn thoắt, bà Nguyễn Thị Lưu (78 tuổi) được xem là một trong những nghệ nhân của làng đang gìn giữ nghề truyền thống. Tỉ mẩn làm vành nón, bà thủ thỉ với chúng tôi về chuyện của những nắm lá, chuyện cái nón, chuyện làng xưa kia. Giọng bà nhẹ nhàng, chất chứa niềm đau đáu với cái nghề lâu đời sợ sau này sẽ dần mai một bởi thanh niên trong làng càng ngày càng ít theo nghề, vì lớp trẻ không thích sự tỉ mẩn, kỳ công mà không có nhiều lợi nhuận. Còn cuộc sống của bà từ khi lên tuổi 13 đến ngày về nhà chồng làm vợ đảm đều gắn liền với những bó lá lụi, với những buổi miệt mài khâu nón, những ngày chợ phiên tấp nập mua bán nón.

Có chúng tôi về thăm làng nghề truyền thống, bà Lưu vui lắm. Bà tận tình chỉ dẫn các bước làm nón. Những vòng buộc vụng về được bà tháo ra sửa lại, chỉ cho cách làm khéo nhất. Ở công đoạn là lá, bà dạy chúng tôi là theo cách truyền thống. Đó là đặt lá dưới nắm giẻ, dùng tấm lưỡi cày hơ nóng trên bếp lửa, miết nhanh để lá phẳng mà không giòn. Người trẻ chúng tôi ngồi là lá được một lúc đã thấy mỏi lưng, mỏi tay. Còn bà Lưu hàng ngày vẫn miệt mài bên bếp lửa, bà bảo ngày nào mưa gió không có lá khô để làm lại thấy nhơ nhớ cái góc bếp này... " Chiếc nón quê trông đơn sơ như vậy, không cầu kỳ hoa lá nhưng nó chắc chắn và bền lâu, đội lên đầu mưa không thủng, nắng không xuyên. Cái nghề làm nón nó đòi hỏi tỉ mẩn lắm, làm nón mà sốt ruột thì không xong được đâu. Nhất là khâu nón, công đoạn này đòi hỏi phải cẩn thận, phải khéo léo lách từng mũi kim đường chỉ sao cho thẳng đều từ trong ra ngoài, không cẩn thận sẽ rách lá ngay. Nón khâu xong phải phết một lớp dầu thông mỏng để nón không bị mốc trong thời tiết ẩm ướt hay những lúc đi ngoài trời mưa gió "- bà nhỏ nhẹ.

Ở Thượng Quánh, không chỉ phụ nữ biết nghề làm nón mà ngay cả những người đàn ông cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung. Gắn bó và mong muốn giữ nghề truyền thống của làng nhưng thu nhập từ sản phẩm nón không cao, trung bình mỗi chiếc nón, người dân chỉ bán được từ 40.000 - 50.000 đồng. Trừ các chi phí mỗi người đan nón thu về được khoảng 30.000 đồng/ngày. Thời gian gần đây, khó khăn cho người dân làng nghề càng lớn khi giá nguyên liệu lá liên tục tăng và khan hiếm. Chị Hoàng Thị Hường đã có hơn 20 năm trong nghề nói với chúng tôi trong khi đôi mắt và bàn tay không rời chiếc nón: " Làm nghề nông như chúng tôi một năm chỉ có hai vụ lúa, xong mùa vụ chúng tôi lại dành hết thời gian cho nghề đan nón.

Tuy chỉ là nghề phụ nhưng nếu biết tính toán, kết hợp giữa nghề nông với nghề làm nón thì cũng có đồng ra đồng vào để nuôi con cái trưởng thành. Một tháng dăm lần có tư thương về "ăn hàng", họ đã quen sản phẩm của từng nhà nên biết nón của ai chằm đẹp mà không cần xoi kỹ, chỉ đếm số lượng rồi trả tiền". Để làm xong một chiếc nón phải qua 12 công đoạn hoàn toàn bằng thủ công, từ thẻ vành, bắt vành, gắn khuôn, xâu lá, chằm may, nức chân đến xâu nôi, quang dầu… Và theo các bà, các chị ở làng Thượng Quánh, muốn tạo ra chiếc nón đẹp, người thợ phải "sành" ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Lá được nhập từ Quảng Bình, Hà Tĩnh về trước hết phải vò trong cát rồi phơi nắng đến độ màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc, mỏng tang nhưng phải bền. Khi lá vào khuôn nón phải được là phẳng. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, căn sao cho nhiệt độ vừa đủ để lá không bị cháy hoặc bị sống vì không đủ độ nóng. Tiếp đến khâu làm khung uốn vành, vành nón được làm bằng thân tre, nứa được chẻ, chuốt tròn thanh thoát, uốn thành vòng tròn to, nhỏ khác nhau, vành to nhất có đường kính 50 cm, những vành tiếp theo có đường kính nhỏ dần, mỗi chiếc nón thường có 16 vành, nhiều người vẫn ví như "16 vành trăng" - tượng trưng cho số tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. Và khâu khó nhất là quay nón, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, có tay nghề bởi nó quyết định độ thẩm mỹ của chiếc nón... 

Ông Trần Đình Túy - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn chia sẻ với chúng tôi những vui, buồn về làng nghề: "Mặc dù thu nhập của người làm nghề chưa cao nhưng nhờ có nghề làm nón đời sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện nay, hàng trăm nghìn các kiểu nón, mũ thời trang ra đời, nhưng với người nông dân mỗi khi phơi nắng dầm mưa thì không bao giờ thiếu được chiếc nón lá. Để gìn giữ nghề truyền thống thì chỉ lòng say mê, nhiệt tình của những người yêu nghề chưa đủ. Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, cần có sự phối hợp của huyện, tỉnh về định hướng xây dựng thương hiệu, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Vì việc phát triển làng nghề không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần lưu giữ lại những nét đặc sắc của văn hoá dân tộc".

Hiện toàn xã có 3 làng Thượng Quánh, Phượng Đình và làng Tiên Kiều với hơn 50 hộ dân tham gia nghề làm nón. Trải qua gần 100 năm, nón lá Đồng Văn ngày càng được cải tiến và tạo nên nét đẹp độc đáo truyền thống nhờ bàn tay khéo léo của những "nghệ nhân" làng. Tuy có lúc thăng trầm, nhưng ở các chợ Dùng, chợ Rộ, chợ Đình chưa bao giờ vắng bóng hàng nón lá... 

Ngọc Anh