(Baonghean) - Tiết trời đầu Xuân cận ngày Rằm tháng Giêng ở Thành Vinh dịu nhẹ ấm áp, Quảng trường Hồ Chí Minh cờ hoa náo nức. Nhà ga, Sân bay Vinh, những đường phố biểu ngữ tươi tắn… đón tiếp các nhà đầu tư về với Nghệ An dự Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Ất Mùi. Náo nức tay bắt mặt mừng, những nhà đầu tư, những người con thành đạt của quê hương lại trở về cùng nhau trao và nhận những thông điệp mới đầy trách nhiệm cho một Nghệ An phát triển hơn, giàu đẹp hơn.

Hội trường Trung tâm hội nghị quốc tế Phương Đông - nơi diễn ra Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư với sức chứa hơn 800 chỗ ngồi đã chật kín khách. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất, thu hút được đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp nhất kể từ hội nghị đầu tiên được tổ chức năm 2009. Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân năm nay được tổ chức trong bối cảnh Nghệ An vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030 tầm nhìn 2050 và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được điều chỉnh tăng thêm 1.200 ha, nâng tổng số diện tích Khu kinh tế Đông Nam từ 18.826,47 ha lên khoảng 20.026, 47 ha, bao gồm thêm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp Đông Hồi. Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh Nghệ An đang xây dựng chiến lược cho một chặng đường mới, tầm nhìn đến 2030, rất cần lắng nghe và chia sẻ những ý kiến đóng góp cho các chương trình trọng điểm. Cánh cửa lớn, vận hội lớn đang mở ra với những cơ hội vàng cho các nhà đầu tư đến với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và, thu hút đầu tư được Nghệ An xác định là giải pháp quan trọng, tạo bước “nhảy vọt” cho tỉnh nhà trên con đường phát triển.

Dây chuyền sản xuất sữa TH. Ảnh: sỹ minh

Sau những nghi lễ trang trọng khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc gửi thông điệp chào mừng đến các vị khách quý, những nhà đầu tư “xông đất” cho tỉnh nhà, mang may mắn và tâm huyết về xây dựng, phát triển Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những thông điệp quan trọng mà đồng chí gửi gắm là công bố điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phần trao đổi thảo luận ý kiến của các nhà đầu tư cũng thu hút được nhiều sự quan tâm, theo dõi của hội nghị. Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TM CP Bắc Á đã cuốn hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với câu chuyện về các dự án của Ngân hàng Bắc Á tư vấn và đầu tư, gây ấn tượng mạnh mẽ bởi những bước đi táo bạo nhưng đem đến thành công ngay trong thời điểm đất nước và thế giới gặp khủng hoảng.

Đáng quý hơn nữa, nhà đầu tư xuất thân từ chính mảnh đất Nghệ An này đã khai thác mạnh mẽ tiềm năng quý giá của đất và người nơi đây, tiên phong và cổ vũ cho nhiều nhà đầu tư khác đầu tư vào nền nông nghiệp truyền thống tưởng chừng không tìm ra được chỗ đứng trong xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Theo bà Thái Hương: “Dự án không chỉ tác động đến nền kinh tế mà còn tạo chuyển biến trong nhận thức cộng đồng về việc tiêu thụ sữa tươi sạch, góp phần nâng cao sức khoẻ của các thế hệ tương lai. Đó là thành quả của trí tuệ, đam mê và cũng của tình yêu đối với quê hương. Cũng không thể không kể đến sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh Nghệ An trong suốt chặng đường vừa qua”. 

Ngân hàng BIDV trao hỗ trợ cho các dự án, chương trình phát triển ở tỉnh Nghệ An.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Kim Jong Gun - Giám đốc điều hành Chi nhánh Công ty TNHH Em- Tech Việt Nam tại Nghệ An cho biết: Công ty Em-Tech có trụ chính ở Bắc Ninh, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử cho Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, công ty lại chọn Nghệ An là điểm đến bởi đặc điểm dân số đông, lao động dồi dào. Tuy mới vào Nghệ An hoạt động được 2 năm, nhưng công ty đã tuyển được 3.100 công nhân, mức lương chi trả tương đối cao: Từ 5 đến 5,5 triệu đồng/tháng. “Tham dự hội nghị này tôi cũng muốn báo tin vui là khoảng đầu quý 2, công ty chính thức xây dựng nhà máy tại Nghệ An, tổng đầu tư khoảng 800 tỷ đồng Việt Nam để thay thế khu nhà xưởng thuê tạm hiện nay, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Nghệ An hiệu quả và bền vững hơn nữa”.

Ngân hàng BIDV ký thỏa thuận thu xếp vốn cho các dự án đầu tư ở Nghệ An.

Cùng có sự trăn trở về điều kiện cơ sở hạ tầng - nền tảng đầu tiên cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội là hai doanh nghiệp: Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Tuấn Lộc và Tập đoàn Tôn Hoa Sen. Ông Hồ Sỹ Hoà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Tuấn Lộc cho biết, với 3 dự án đầu tư tại Nghệ An trong 3 lĩnh vực: cấp nước, cảng biển và mặt bằng hạ tầng khu công nghiệp, đây là một hướng đi rất riêng khi nhà đầu tư này chú trọng đầu tư xây dựng nền tảng ban đầu cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 3/2 vừa qua, Dự án Nhà máy cấp nước Sông Lam cung cấp nước thô đã khởi công tại huyện Nam Đàn - khởi đầu cho một chặng đường Tuấn Lộc đồng hành cùng Nghệ An trong cải thiện môi trường sống, môi trường đầu tư và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tôn Hoa Sen nhiệt liệt hoan nghênh việc nâng cấp Cảng hàng không Vinh thành sân bay quốc tế và mở rộng Cảng Cửa Lò, nhấn mạnh rằng hạ tầng vận tải là một trong những thế mạnh mà Nghệ An nên phát huy hơn nữa để tăng sức thu hút với nhà đầu tư. Ông cho rằng: “Chúng tôi kiến nghị, cần quan tâm nâng cấp tuyến đường nối Cảng Cửa Lò và Cửa khẩu quốc tế đi qua Viêng Chăn, từ đó mở rộng sang cả Đông Bắc Thái Lan. Như vậy, Nghệ An sẽ trở thành một điểm đến chiến lược, hấp dẫn được các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài”. Ông cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Nghệ An đối với doanh nghiệp. Một môi trường đầu tư đang cải thiện mạnh mẽ trông thấy, đem đến sự phấn khởi và tin tưởng cho nhà đầu tư khi đặt chân đến Nghệ An. Đó là cảm nhận của ông Lê Phước Vũ và cũng là cảm nhận chung của các đại biểu có mặt tại hội nghị. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một người con của quê hương, luôn để lại những ấn tượng sâu sắc qua các hội nghị đầu tư ở Nghệ An bằng những định hướng, nhắn gửi đầy tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình quê hương. Còn nhớ cách đây 3 năm, trong những định hướng dành cho Nghệ An, đồng chí đã gợi mở “Cần có bước đi mới, bước đi khác với 10 năm trước. Vì vậy, cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng cho nền kinh tế tốc độ cao. Nghệ An nên tính toán lại quy hoạch phát triển. Hoàn thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng,… tạo một môi trường đầu tư mới, tư duy mới hiệu quả hơn nữa”.

Thực hiện định hướng đó, Nghệ An đã bứt phá mạnh mẽ, đầu tư mở mang hạ tầng kỹ thuật, thần tốc trong phát triển giao thông, mở rộng đường bao, đại lộ, đầu tư sân bay, bến cảng, nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới. Năm nay, cũng với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những thành quả đáng ghi nhận mà Nghệ An đạt được trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư nói riêng và trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đồng chí cũng hết sức phấn khởi khi lắng nghe 6 ý kiến phát biểu của doanh nghiệp thể hiện tâm huyết, tình cảm sâu sắc đối với quê hương Bác Hồ. Không chỉ trên cương vị một nhà lãnh đạo, mà còn với tâm thế của người con quê hương trở về với tình cảm, lòng biết ơn và những trăn trở, đồng chí mong lãnh đạo tỉnh Nghệ An sẽ cởi mở đón nhận những ý kiến đóng góp, tạo mọi điều kiện để đem lại hiệu quả lớn nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân đến với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các nhà đầu tư có nhiều đóng góp trong năm 2014.

Nhìn lại công tác thu hút, xúc tiến đầu tư tại Nghệ An thời gian qua, nổi bật lên nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả, tạo nhiều việc làm và nộp ngân sách lớn như. Thời gian sắp tới, Nghệ An sẽ nỗ lực hết sức, tập trung cho các dự án trọng điểm như Tổ hợp khu công nghiệp, đô thị dịch vụ của Công ty liên doanh đầu tư, phát triển khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 6 ở Nghệ An); Khu công nghiệp Liên hợp dệt may của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Lộc;… Nghệ An cũng xác định các khu kinh tế, khu công nghiệp là địa bàn trọng tâm thu hút đầu tư, trở thành “nam châm” năng động, hấp dẫn của môi trường đầu tư và nền kinh tế tỉnh nhà. Để đạt được mục tiêu cụ thể này, Nghệ An sẽ tiếp tục chú trọng, tập trung thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Những dòng vốn đăng ký đầu tiên đã về với Nghệ An và được trao giấy chứng nhận đầu tư ngay tại hội nghị, với 9 dự án: Dự án Nhà máy may xuất khẩu Venture Nghệ An (90,6 tỷ đồng) sử dụng 2.000 lao động; Dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Anh Sơn (Công ty TNHH Chế biến nông sản Hoa Sơn); tổng mức đầu tư 224 tỷ đồng; Dự án xây dựng Cảng tổng hợp tại bến số 5 và số 6 thuộc bến Cảng Cửa Lò thuộc Khu kinh tế Đông Nam của Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Tuấn Lộc, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng; Hạ tầng Khu công nghiệp Liên hợp dệt may (Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Lộc) diện tích 650 ha, tổng mức đầu tư  dự kiến 2.500 tỷ đồng, tại khu D, Khu CN Nam Cấm; Dự án hệ thống cấp nước thô, công suất 200.000m3/ngày đêm cung cấp cho các nhà máy nước sạch tại TP. Vinh (Công ty CP cấp nước Sông Lam) tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng; Dự án Nhà máy miếng dán chống virut xâm nhập cơ thể của Công ty CP Envroy Việt Nam (Nhật Bản), tổng mức đầu tư 3,5 triệu USD, tại Khu CN Hoàng Mai; Dự án Nhà máy sản xuất phân lân supe phốt phát và đá cẩm thạch của Công ty TNHH Bohra Industries Việt Nam tổng mức đầu tư 24 triệu USD, Khu CN Đông Hồi...

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã khẳng định: “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và thu hút đầu tư vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đề ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An từ nay cho đến năm 2020”. Và đúng như đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét với tiềm năng về đất và người, cơ sở hạ tầng đang được nỗ lực đầu tư, Nghệ An đang đổi mới mạnh mẽ, thực sự hợp tác với nhà đầu tư để hai bên cùng có lợi. Những khát vọng về bước phát triển đột phá trong thời gian sắp tới đang được chính các nhà đầu tư chắp cánh cho Nghệ An ngay trong đầu Xuân vui này.

Châu Lan - Thục Anh

TIN LIÊN QUAN