(Baonghean) - Trung tâm Giáo dục, dạy nghề người tàn tật Nghệ An từ lâu đã thực sự tạo được niềm tin cho trẻ em khuyết tật, các bậc phụ huynh.Tiếp chúng tôi  trong căn phòng nhỏ, Giám đốc Trung tâm Phan Bùi Hải cho biết: "Trung tâm thành lập năm 1988, ban đầu chỉ 160 em (hiện nay là 230 em), cơ sở vật chất của nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên ban đầu còn thiếu trầm trọng. Vượt lên mọi khó khăn, các thầy, cô giáo ở đây không quản ngày đêm vượt khó chăm lo cho các em. Sau ba năm đầu, thấy được sự tiến bộ vượt bậc của trẻ khuyết tật ở đây, nhà trường quyết định mở rộng cơ sở để tiếp nhận thêm học sinh. Đầu năm thứ ba, nhà trường tiếp tục mở 4 lớp tiểu học và hai lớp dạy nghề, chủ yếu là cắt may và mộc dân dụng. Nhờ sự tận tuỵ, quan trọng hơn là tấm lòng nhân ái của thầy cô, sau một thời gian, mái trường đã bù đắp được cho các em một phần thiệt thòi...

Nơi thắp lửa niềm tin ảnh 1Học thêu ở Trung tâm Dạy nghề người tàn tật.

Hiện nay nhà trường không những dạy văn hoá cho trẻ khuyết tật mà còn mở nhiều lớp học nghề như: lớp mộc, đan lát, thêu, may... Bình quân mỗi năm có trên 80% em tốt nghiệp trở về hoà nhập cộng đồng tốt, có việc làm nuôi sống bản thân. Trao đổi với thầy giáo Lê Thanh Tĩnh - giáo viên dạy mộc, được biết: Không ít em lúc đầu mới vào trường còn bỡ ngỡ, được học văn hoá, rồi chuyển sang học nghề nên khi tốt nghiệp nhiều em đã tự lo cuộc sống của mình. Tiêu biểu như em Nguyễn Mạnh Sơn giờ là chủ một xưởng mộc tại Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc), Sơn còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động chính và 3 lao động phụ; em Đặng Văn Thế, Đặng Văn Thuận ở xã Diễn Hải (Diễn Châu) nỗ lực, chịu khó, khéo léo, các em được ông chủ xưởng mộc Nguyễn Văn Xuyên ở xóm 3 xã Diễn Hải (Diễn Châu) nhận làm thợ chính 3 năm nay, với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng...

Đam mê nghề mộc .

Đến thăm các lớp học thêu, may và mộc dân dụng tại trung tâm, chúng tôi vô cùng cảm động khi chứng kiến các em được các thầy, cô giáo hướng dẫn học nghề tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Điều làm chúng tôi bất ngờ bởi các em rất yêu nghề, tiếp thu nhanh, nhiều em lại có năng khiếu và giàu ý tưởng sáng tạo. Nhiều em tạo lên những tác phẩm ấn tượng, độc đáo. Em Đặng Văn Mạnh, Lê Xuân Hợi... ở lớp mộc dân dụng làm ra những sản phẩm bằng gỗ có tên "Mã đao"; "Cậu bé chăn trâu"; "Mẹ bế con"; "Quê hương em"; " Mặt vui” ... hay các em Tạ Thị Ngọc, Trần Thị Thu, Lê Thị Xô... thêu những bức tranh con vật, các loài hoa, quê hương em... rất phong phú và sinh động. Đến lớp học văn hoá, mỗi lớp đều được trang bị đầy đủ giáo cụ học tập, đồ chơi cần thiết. Bên cạnh các phòng, nơi các em học và chơi chung, còn có một căn phòng bé hơn được cách âm, là nơi để dạy các em khiếm thính tập nói, tập đánh vần, tập làm toán. Khi chúng tôi đến, cô giáo Liễu đang dạy một cháu tên Hằng độ 10 tuổi học. Cô Liễu tâm sự: “Dạy các cháu khiếm thính thật vất vả, nhưng thấy các cháu tiến bộ lại thấy vui, lại đủ bình tĩnh nhiệt tâm để dạy tiếp". Cô Liễu cũng đề cập một cái khó nữa của trường, đó là vấn đề giáo viên: "Cho tới nay, nước ta vẫn chưa có bất cứ một trường nào đào tạo giáo viên dạy trẻ câm điếc, vì thế các thầy cô ở đây tự tìm phương pháp dạy từ vốn sống, từ việc tiếp xúc với trẻ".

Bài, ảnh: Thu Hương